Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế nhân ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10/2017, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người cao tuổi, tức trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi lục tuần và số người cao tuổi dự báo sẽ tăng từ 900 triệu người lên 2 tỷ vào năm 2050. Cũng theo thống kê trên, ở khu vực Châu Á, mặc dù quá trình già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra sau các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc nhưng tốc độ già hóa lại diễn ra rất nhanh, thậm chí Việt Nam hiện đang nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số, riêng số người từ 80 tuổi trở lên là trên 2 triệu người
  Vấn đề già hóa độ tuổi tham gia giao thông không chỉ diễn ra ở nước ta, mà còn xuất hiện ở nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện nay, ở Nhật có khoảng 4,8 triệu tài xế ở độ tuổi 75 trở lên.[1] Theo thống kê của cảnh sát Nhật Bản từ 01/2015 đến tháng 11/2015, có tất cả 1.188 tài xế chết do tai nạn giao thông, trong số đó có tới 566 người trên 65 tuổi, chiếm 47,6% tổng thể. Như vậy có thể thấy, gần như cứ 2 người lái xe thiệt mạng do tai nạn giao thông thì có 1 người trên 65 tuổi.[2] Trong các sự cố giao thông liên quan đến người già, đối tượng này vừa đóng vai trò là nguyên nhân cũng vừa là nạn nhận của tai nạn giao thông.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Australia 73 năm, Mỹ 69 năm, Cananda 65 năm… thì với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam chỉ mất 22 năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người). Mặc dù vậy, đối với Việt Nam, hiện nay chưa có một văn bản pháp luật cụ thể nào quy định về độ tuổi cũng như các điều kiện cụ thể về sức khỏe để được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông đối với người cao tuổi hay nói cách khác, hiện quy định về độ tuổi lái xe ở nước ta còn khá “lỏng”. Theo Thông tư số 22-BYT/TT ngày 14/8/1991 của Bộ Y tế quy định về tuổi của người lái xe cơ giới đường bộ: “đối với những lái xe ô tô, mô tô không chuyên nghiệp không quy định tuổi tối đa, nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe do ngành Y tế quy định”. Điều này đã tạo điều kiện cho người già chủ động trong tham gia giao thông, tuy nhiên cũng làm nảy sinh một vấn đề mới: tại nạn giao thông liên quan đến người già ngày một tăng lên, trở thành nỗi lo của xã hội. Ngoài ra, có thể thấy rằng số liệu thống kê của các cơ quan chức năng đối với các vụ tai nạn giao thông chủ yếu tập trung vào các yếu tố như: phân tích các lỗi, tuyến đường xảy ra tai nạn, phương tiện gây tai nạn, thời gian xảy ra tai nạn nhưng có rất ít số liệu quan tâm đến vấn đề người già trong các vụ tai nạn giao thông.
1. Tình hình an toàn giao thông liên quan đến người già ở nước ta hiện nay
  Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến người già diễn biến khá phức tạp. Số vụ việc, số người thương vong đều tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, năm 2016 toàn quốc xảy ra 21.568 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.680 người, bị thương 19.280 người. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến người từ 55 tuổi trở lên chiếm 9%.
Biểu đồ phân tích độ tuổi xảy ra tai nạn giao thông năm 2016[3]
 Từ các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người gia trong thời gian qua, có thể rút ra một số đặc điểm như sau:
- Đối với các vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do người già điều khiển phương tiện gây ra: Ở nơi đường giao nhau, do thính lực, thị lực của tài xế cao tuổi vốn suy giảm lại càng khó tập trung, khó có thể đưa ra phán đoán và xử lý kịp thời; vì vậy, va chạm giao thông rất dễ xảy ra. Có thể thấy, va chạm giao thông tại  những nơi đường giao nhau chiếm một tỉ lệ lớn trong tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là: người điều khiển phương tiện giao thông không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các xe, đi không đúng làn đường, vi phạm các quy định giao thông, không tuân thủ sự điều tiết giao thông của cảnh sát giao thông và các tín hiệu đèn, biển báo ...
- Đối với các vụ tai nạn giao thông mà  người già là nạn nhân: Gần đây số lượng xe cộ nước ta tăng nhanh, lưu lượng xe tham gia giao thông lớn, điều đó đã ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người già - đặc biệt vào những thời điểm thời trời tối, thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế lại càng dễ xảy ra chạm giao thông đối với người già.
Có thể thấy, những năm gần đây tai nạn giao thông đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến cho người già bị thương vong. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới an toàn tính mạng, thân thể của người lớn tuổi, mà còn kéo theo nhiều vấn đề xã hội, gây ra tổn thất lớn về kinh tế.
2. Các  yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông của người già    
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới an toàn giao thông của người già, như: hệ thống đèn báo, biển báo tín hiệu giao thông bố trí chưa khoa học, điều kiện đường xá chưa tốt, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người già... Ngoài các nguyên nhân nêu trên, nguyên nhân chính ảnh hưởng tới an toàn giao thông người già xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của bản thân họ.
  Do ảnh hưởng của tuổi tác, tâm sinh lý của người già cũng thay đổi, sức khỏe không còn như trước, cơ thể lộ rõ dấu hiệu lão hóa, biểu hiện như sau:
- Phản ứng không đủ nhạy bén, linh hoạt, cử chỉ chậm chạp, khả năng nghe, nhìn và năng lực nhận biết, phán đoán suy giảm
Thông thường, khi con người bước sang tuổi 50 thường xuất hiện hiện tượng “hoa mắt”. Sau 60 tuổi, thị lực của con người suy giảm rõ rệt, thậm chí có thể bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng.... khiến cho tầm nhìn bị thu hẹp. Tuổi tác cao cũng khiến cho thính lực suy giảm, khả năng phán đoán, nhận biết âm thanh, các tín hiệu giao thông của người lớn tuổi cũng hạn chế. Trong hoàn cảnh có nhiều tiếng ồn, tạp âm khi tham gia giao thông, người lớn tuổi thường khó có thể xác định chính xác nguồn gốc và hướng âm thanh. Người già khi tập trung lái xe khó có thể nhận thức được những thông tin khác, bởi vì họ quá tập trung vào một phương hướng nhất định. Do đó, nếu phát sinh tình huống khẩn cấp, người già khó ứng phó giải quyết.
- Khả năng thích nghi không cao
Bước sang tuổi già, đại não của con người dần bị lão hóa, tế bào thần kinh suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Điều lo ngại nhất đối với người già lái xe là trí lực suy giảm, tỉ lệ mắc bệnh mất trí nhớ ngày càng cao, không nhanh nhạy phản ứng với những yếu tố tác động bên ngoài. Nếu xuất hiện tình huống bất ngờ, ngoài ý muốn, khả năng phản ứng của người già khá chậm, cơ thể khó có thể thích ứng được. Do đó, người già điều khiển các phương tiện giao thông có thể coi là hành động tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bản thân và người khác.
- Độ bền sức khỏe giảm, không thể điều khiển phương tiện giao thông trong thời gian dài
Do tuổi cao, các cơ bắp trở nên chùng, nhão, dễ mệt mỏi, sức chịu đựng không cao, khó có thể lái xe trong thời gian dài; đồng thời, những đòi hỏi về độ thoải mái, dễ thao tác khi điều khiển hoặc tham gia các phương tiện giao thông cũng cao hơn so với người trẻ tuổi. Đối mặt với sự cố khẩn cấp, phản ứng của người già khá chậm chạp, không thích hợp điều khiển các phương tiện đòi hỏi thao tác phức tạp, nhiều trường hợp còn thao tác nhầm chân ga, phanh ga, mất lái, nhầm giữa đường dành cho người đi bộ với đường dành cho xe cơ giới... Do không nắm bắt được hết các chức năng khi điều khiển xe cộ nên nguy cơ xảy ra tai nạn, va quẹt không nhỏ.
- Tình trạng chiếm dụng làn đường khi tham gia giao thông
Tốc độ lái xe của người già thường chậm, ảnh hưởng đến sự lưu thông của tuyến đường, thậm chí lấn làn, vượt ẩu, đe dọa an toàn của người đi bộ và người đi xe đạp. Trong bối cảnh mật độ xe cộ đông đúc như hiện nay, chỉ một va chạm nhỏ xảy ra cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
3. Biện pháp nâng cao an toàn giao thông cho người già
Trong thời gian gần đây, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và báo chí nước ta đã đưa ra những cảnh báo về an toàn giao thông đối với người già. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra biện pháp quản lý và khắc phục triệt để nhằm đảm bảo an toàn cho người già khi tham gia giao thông. Nếu không có biện pháp hiệu quả thì tai nạn giao thông liên quan đến người già sẽ ngày một gia tăng. Qua quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực, chúng ta có thể đưa ra một vài giải pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người già như sau:
a. Không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phương tiện giao thông đường bộ
Trước hết, cần tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông. Do thị lực, thính lực, tri giác, phản ứng, sự linh hoạt của người già ngày một suy giảm; vì vậy, khi thi công, thiết kế cơ sở hạ tầng giao thông, lắp đặt các thiết bị, biển báo giao thông cần chú ý đến yêu cầu, tính đặc thù riêng của người già, như: bố trí biển báo, tín hiệu giao thông ở những nơi dễ nhìn, dễ quan sát, phóng to cỡ chữ trên các biển báo, tên đường phố, sản xuất và lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông khoa học, sử dụng công nghệ phản quang... Như vậy, người già khi tham gia giao thông sẽ dễ dàng nhận biết, phán đoán và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
  Ở trước các vạch kẻ đường cho người đi bộ cần lắp đặt các biển báo giao thông để cảnh báo cho lái xe nhường đường cho người đi bộ, nhất là nhường đường cho người già. Thiết kế những biển báo giao thông phù hợp với người già và bố trí biển báo rõ ràng, dễ nhận biết. Vị trí đèn giao thông không nên để quá cao, không để nơi khuất tầm mắt, quanh khu vực đèn, biển báo giao thông không được có những các biển quảng cáo hoặc các vật nhiều màu sắc dễ gây rối mắt, tránh tình trạng làm “nhiễu” thị lực người già, khiến họ không chú ý đến đèn, biển báo giao thông. Khi lắp đặt đèn báo, chúng ta nên tính đến vận tốc đi bộ của người già, trong trường hợp cần thiết có thể bố trí thêm các điểm dừng trung gian. Việc lắp đặt đồng hồ đếm ngược phía dưới đèn giao thông giúp người già chủ động hơn khi sang đường, nhất là ở những khu vực nhiều xe qua lại hoặc các khu dân cư đông đúc gần trường học, bệnh viện, chung cư...
b. Nâng cao tính tiện dụng và tích cực của các phương tiện giao thông công cộng phục vụ người già, tối ưu hóa không gian phục vụ
Trước hết, nên động viên người già sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nhà nước và các cơ quan liên quan cần tích cực xây dựng môi trường giao thông công cộng tiện lợi phục vụ người già, khuyến khích người già tham gia giao thông mua bảo hiểm thân thể, lắp đặt ghế chuyên dụng, chỗ ngồi ưu tiên, tay vịn cho người già ở các bến xe, nơi chờ xe, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, cần có cái nhìn đúng, đầy đủ về nhu cầu của người già trong xã hội hiện nay, cố gắng xây dựng không gian giao thông công cộng phục vụ cho người già, tối ưu hóa các loại hình dịch vụ, hướng tới vận động người già bỏ giấy phép lái xe, không lái xe khi tham gia giao thông. Biện pháp này đã được một số nước trong khu vực như Nhật Bản áp dụng khá hiệu quả. Chính quyền các thành phố tại Nhật Bản đã phối hợp với các công ty giảm giá một số loại dịch vụ, hàng hóa, thức ăn dành cho những người cao tuổi tự nguyện nộp lại bằng lái xe, từ bỏ việc lái xe. Các biện pháp này góp phần không nhỏ vào giảm số lượng sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông cho người già.
c. Thiết lập môi trường đi bộ an toàn, thoải mái 
  Để xây dựng được một môi trường đi bộ an toàn cần đảm bảo không gian cần thiết đủ cho đi bộ. Ở các thành phố lớn, việc thi công đường xá, xây dựng đô thị, dừng đỗ xe tùy tiện, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, ảnh hưởng rất nhiều đến không gian đi bộ và sự an toàn của người tham gia giao thông nói chung và người già nói riêng. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần cải tạo vỉa hè, đường dành cho người đi bộ, đảm bảo không gian bộ hành cho mọi người nói chung, cho người già nói riêng. Ở những nơi cần thiết, bố trí hợp lý những thiết bị, phương tiện phục vụ cho người già như bố trí chỗ ngồi, nơi tránh mưa, đường chống trơn trượt....
d. Tăng cường giáo dục nâng cao ý thức an toàn giao thông cho người già
Đây là công việc đòi hỏi tất cả các cơ quan, đoàn thể cùng đông đảo quần chúng nhân dân cần tích cực tham gia, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông cho người lớn tuổi chứ không phải chỉ “khoán trắng” cho lực lượng Cảnh sát giao thông. Các tổ chức xã hội như: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức an toàn giao thông cho người già, khuyến khích người già tham dự vào các hoạt động tuyên truyền đó. Về nội dung, không chỉ tuyên truyền về những vấn đề hạn chế còn tồn tại của người già khi tham gia giao thông, mà còn kịp thời tuyên truyền những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình lái xe, tham gia giao thông, giúp người già hiểu rõ về những nguy cơ ấy, nhằm nâng cao nhận thức của họ đối với vấn đề này. Ở một số nước còn khuyến cáo người già nên mặc những trang phục màu sắc tươi sáng, đội mũ, nón phản quang khi tham gia giao thông để thu hút sự chú ý của các lái xe và cán bộ quản lý, điều tiết giao thông. Điều này có lợi cho phòng tránh va chạm, đảm bảo an toàn giao thông cho người già.
Ngoài ra, nội dung tuyên truyền cũng cần có các khuyến cáo cụ thể như: ở các thành phố lớn, nhất là trên các tuyến đường chính thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông thì nười già không nên lái xe tốc độ cao, không lái xe trong trạng thái mệt mỏi, nên tránh những khoảng thời gian cao điểm giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và người xung quanh.
e. Giảm thiểu tình trạng người già tham gia giao thông ban đêm và trong thời tiết xấu
Do ban đêm tầm nhìn hạn hẹp, thị lực của người già vốn suy giảm lại càng thêm mờ mắt, không được thông suốt như điều kiện thông thường; các hiện tượng thời tiết xấu như mưa, sương mù khiến đường trơn trượt, khó đi. Trong điều kiện đó, cho dù là đối với người trẻ tuổi, nhiều kinh nghiệm cũng rất dễ xảy ra sự cố. Chính vì vậy, người già không nên lái xe hay tham gia giao thông vào những thời điểm như vậy.
g. Sản xuất các loại xe an toàn, dành riêng cho người già
Người già lái xe thường có yêu cầu cao về sự thoải mái, tiện nghi đối với các phương tiện giao thông. Nguyên nhân là do người già phản ứng không nhanh nhạy trước những sự cố đột xuất, nên trong các phương tiện giao thông, xe cộ dành cho người già không thích hợp bố trí những thiết bị, phụ kiện phức tạp; ngược lại nội thất, thiết bị trong xe nên đơn giản hóa, dễ thao tác, tiện dụng mới phù hợp với người già. Như vậy mới có thể giảm thấp nguy cơ sự cố giao thông. Việc nghiên cứu, phát triển các loại xe dễ sử dụng, có độ an toàn cao, lắp đặt thêm các hệ thống cảnh báo như hệ thống cảnh báo buồn ngủ, đèn hậu chức năng cao, hệ thống kiểm tra độ quanh co của đường, hệ thống cảnh báo chệch làn đường, lớp kính chống gió, chống lóa.... Bằng cách này có thể giảm nguy cơ va chạm giao thông.
  Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất hiện nay. Sự  chuyển đổi nhân khẩu học do già hóa dân số đã, đang và sẽ tạo ra những tác động rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu, ban hành các chính sách chăm sóc sức khỏe, các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc xã hội và chăm sóc y tế đối với người già thì đảm bảo an toàn giao thông cho người già cũng là một vấn đề chúng ta cũng cần phải quan tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ.
   Trung tâm Nghiên cứu ATGT - Học viện CSND

[1] “Nhật Bản làm mọi cách vận động người già bỏ giấy phép lái xe”, http://xe.thanhnien.vn/kham-pha/nhat-ban-lam-moi-cach-van-dong-nguoi-gia-bo-giay-phep-lai-xe-11734.html.
[2] “Tình trạng người lớn tuổi lái xe ở Nhật Bản”, https://www.erct.com/2-ThoVan/NKTri/Tainan-Nhatban.htm.