Khoảng cách an toàn là khái niệm để chỉ khoảng cách tối thiểu cần đảm bảo giữa hai xe cùng chiều nối tiếp nhau trên đường, có độ lớn phụ thuộc vào vận tốc di chuyển của phương tiện. Khi người lái xe không giữ được khoảng cách an toàn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Thứ nhất, người lái xe có nhiều nguy cơ gây tai nạn nếu bám sát xe phía trước vì bị hạn chế về thời gian phản ứng, quãng đường để hãm phanh khi xe phía trước giảm tốc độ đột ngột hoặc dừng lại do gặp sự cố hoặc chướng ngại vật phía trước. Thứ hai, khi bám sát xe phía trước, tầm nhìn của người lái xe sẽ bị hạn chế. Thứ ba, việc bám sát phía sau một xe khác kèm theo tín hiệu đèn và còi có thể gây ức chế tâm lý đến lái xe phía trước, làm cho người lái xe phía trước có những thao tác xử lý không an toàn. Thứ tư, trên thực tế xe phía sau sẽ tiết kiệm được nhiên liệu khi bám sát xe phía trước vì được giảm tác động của gió lên xe mình; Tuy nhiên điều này chỉ xảy ra khi khoảng cách giữa hai xe rất ngắn (10 - 15m) và xe phía trước kích thước đủ lớn để có thể cản gió (xe tải, xe đầu kéo). Mặc dù vậy, khi điều khiển xe bám sát xe phía trước cần phải liên tục điều chỉnh tốc độ để tránh va chạm với xe phía trước, làm cho phương tiện tổn hao nhiều nhiên liệu hơn.
Khoảng cách an toàn giữa hai xe được tính toán phụ thuộc vào ba yếu tố cơ bản: vận tốc di chuyển, khả năng phanh hãm tối đa của mỗi xe và thời gian phản ứng của người điều khiển xe đi phía sau (ngoài ra còn các yếu tố phụ như điều kiện thời tiết, điều kiện mặt đường, khối lượng xe, tầm nhìn...). Công thức tính như sau­[1]:

Trong đó:
a: Đoạn dự trữ an toàn (m); L: Đoạn phản ứng tâm lý (m); Sh: Đoạn hãm xe (m); V: Vận tốc xe (km/h); f: hệ số phanh hãm; k: hệ số hiệu quả sử dụng phanh.
Trong ba yếu tố cơ bản trên, thời gian phản ứng là thời gian để nhận biết có tình huống bất ngờ xảy ra, từ đó đưa ra biện pháp để xử lý và đóng vai trò quan trọng nhất. Thời gian phản ứng này phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, kinh nghiệm của người điểu khiển và tình huống trên đường…. Khi tính toán lấy thời gian phản ứng trung bình bằng một giây ­­[2]. Đồng thời, khoảng cách an toàn tối thiểu thường được chọn bằng quãng đường phương tiện di chuyển được trong thời gian hai giây[3].
Từ cơ sở trên, các quốc gia xây dựng các quy định về khoảng cách an toàn giữa các phương tiện cơ giới đường bộ nhằm nâng cao mức độ an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Tại Pháp, Luật Giao thông đường bộ quy định: người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn tối thiểu đủ để không xảy ra va chạm khi xe chạy cùng chiều phía trước đột ngột giảm tốc độ hoặc dừng lại. Khoảng cách này tương ứng với quãng đường di chuyển của xe trong thời gian hai giây. Ngoài khu vực đông dân cư, đối với các phương tiện giao thông có tải trọng trên 3,5 tấn hoặc có chiều dài lớn hơn 7m, phải giữ khoảng cách tối thiểu là 50m khi di chuyển cùng vận tốc với các phương tiện trên[4]. Như vậy, khoảng cách an toàn cụ thể ứng với tốc độ như sau: khoảng cách an toàn được tính bằng 5/9 lần vận tốc (tính theo km/h) (tương ứng với quãng đường xe di chuyển trong thời gian hai giây được quy định trong luật). Ví dụ: đối với vận tốc 90 km/h khoảng cách an toàn là: 5/9*90=50 (m).
Nếu người lái xe không tuân thủ theo những quy định trên sẽ bị phạt theo mức 4, (mức phạt 135 euro khoảng 4.000.000 đồng) và bị trừ 3 điểm trên Giấy phép lái xe. Nếu bị trừ 12 điểm, người lái xe sẽ bị tước Giấy phép lái xe và phải thi sát hạch lại. Trong thời gian 1 năm kể từ khi vi phạm quy định về khoảng cách an toàn, nếu người lái xe tiếp tục tái phạm những quy định trên trong khu vực hầm chui sẽ bị phạt tù 6 tháng và 3.750 euro (khoảng 110.000.000 đồng), bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian tối đa 3 năm.
Tại Úc, trừ trường hợp vượt xe, người điều khiển phương tiện cần giữ một khoảng cách với xe phía trước đủ để dừng lại trong trường hợp khẩn cấp mà không va chạm với xe phía trước. Đối với xe có chiều dài trên 7,5m thì khoảng cách cần giữ tối thiểu là 60 m. Mức phạt đối với hành vi vi phạm này là 200 AUS (khoảng 3.500.000 đồng) và trừ 4/12 điểm trên Giấy phép lái xe[5].
Tại Trung Quốc, khoảng cách an toàn giữa hai xe được quy định một cách đơn giản, dễ nhớ[6]. Khi vận tốc trên 50 km/h thì khoảng cách an toàn (tính bằng mét) đúng bằng trị số của vận tốc (tính bằng km/h). Với vận tốc 40km/h, khoảng cách an toàn là 30m; 20km/h là 10m. Người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt 200 Nhân dân tệ (khoảng 700.000 đồng), người điều khiển mô tô bị phạt 50 Nhân dân tệ (khoảng 170.000 đồng) và bị trừ 3/20 điểm trên giấy phép lái xe trong trường hợp vi phạm.
Tại Nga, Luật Giao thông chỉ quy định như sau: người lái xe phải giữ khoảng cách an toàn lớn hơn số ghi trên biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, hoặc để khi xảy ra tình huống bất ngờ, người lái xe có thể phanh hãm kịp thời không để xảy ra tai nạn với xe phía trước. Mức phạt trong trường hợp vi phạm về khoảng cách là 1500 rubles (khoảng 550.000 đồng)[7].
Tại Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ quy định: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo. Khoảng cách an toàn được quy định trong thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ban hành ngày 31/12/2015 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.  Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định cụ thể như: 
Liên quan đến vấn đề xử phạt hành vi vi phạm này, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ban hành ngày 26/5/2016 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” đã quy định: Trường hợp người điều khiển xe ô tô không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng theo điểm h khoản 4 điều 5. Đặc biệt, trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây TNGT bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo điểm c khoản 8, điều 5.
Có thể thấy, khi so sánh với hệ thống luật ở các quốc gia khác, Luật Giao thông đường bộ Việt Nam đã có những quy định đầy đủ và khá chặt chẽ về khoảng cách an toàn giữa hai xe cùng chiều. Các quy định và chế tài xử phạt được ban hành ngang bằng hoặc cao hơn. Tuy nhiên, việc không chấp hành quy định về khoảng cách an toàn giữa các phương tiện cơ giới đường bộ vẫn diễn ra một cách phổ biến, đặc biệt trên các tuyến đường quốc lộ và cao tốc, nơi tiềm ẩn những nguy cơ cao xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trên các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ qua khu vực ít dân cư, các phương tiện có thể di chuyển với vận tốc cao (80-120 km/h) nhưng chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc xác định khoảng cách giữa hai xe để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm về khoảng cách an toàn tối thiểu của người tham gia giao thông.
Hiện nay ở nước ta, biện pháp duy nhất giúp người lái xe xác định khoảng cách với xe liền kề phía trước bằng cụm biển báo 0M, biển 50M, biển 100M, dùng làm thước đo cơ sở cho người điều khiển xe có căn cứ giữ khoảng cách an toàn trên đường. Nhưng nếu chỉ lắp đặt cụm biển báo này ở đầu tuyến đường thì sau một quãng đường di chuyển, người điều khiển xe sẽ không còn cơ sở để ước lượng khoảng cách an toàn với xe phía trước; còn nếu lắp đặt cụm biển báo này một cách liên tục sẽ khó thực hiện được do vấn đề kinh phí. Chính vì vậy, để giảm thiểu tối đa TNGT, đặc biệt là các vụ tai nạn liên hoàn trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, có thể sử dụng một số phương pháp xác định khoảng cách khác hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình giao thông tại nước ta như sau:
Thứ nhất, đối với người tham gia giao thông:
1. Phổ biến phương pháp ước lượng khoảng cách an toàn theo kinh nghiệm cho người tham gia giao thông.
Trong công tác đào tạo kỹ thuật lái xe ô tô ở phần lớn các quốc gia, một trong những phương pháp mà giáo viên bắt buộc phải phổ biến cho người học đó là quy tắc hai giây để xác định khoảng cách an toàn với xe phía trước. Quy tắc này được thực hiện đơn giản như sau: người lái xe để ý khi xe đi trước vừa qua một mốc cố định nào đó trên đường như cột đèn, biển báo giao thông… thì bắt đầu nhẩm đếm: “một nghìn linh một, một nghìn linh hai”. Khi đếm 2 cụm từ như vậy mất khoảng 2 giây. Khi áp dụng, nếu thấy chưa đến 2 giây mà xe đã đi đến dấu mốc, nghĩa là người lái xe đang cho xe di chuyển quá gần xe phía trước. Khi đó, cần giảm tốc độ để tăng khoảng cách an toàn. Đối với các tuyến đường cao tốc, các phương tiện đi với vận tốc lớn, khoảng cách phải được nâng lên thành 3 giây để đảm bảo an toàn và tuân thủ đúng theo luật định. Đối với các phương tiện có tải trọng lớn hoặc trong điều kiện giao thông không thuận lợi, như sương mù, đường trơn, trời mưa… người lái xe cần tăng khoảng cách an toàn giữa các xe lên 3 giây hoặc 4 giây.
2. Thiết kế, kẻ vẽ các vạch sơn dùng để xác định khoảng cách an toàn trên toàn bộ tuyến đường.
 Biện pháp này sử dụng vạch phân làn để làm thước đo cho người lái xe. Đối với các tuyến đường cao tốc có vận tốc tối đa quy định là 120 km/h, sử dụng các vạch kẻ đứt có chiều dài 42m và khoảng cách giữa các vạch đứt là 16m. Đặt biển báo hiệu chỉ dẫn yêu cầu người lái xe kiểm tra khoảng cách với xe phía trước, nếu khoảng cách là một đoạn vạch kẻ đường, cần phải giảm tốc độ cho đến khi cách xe phía trước hai đoạn vạch kẻ đường. Lúc này khoảng cách giữa hai xe là d=2*42+16=100m là đảm bảo an toàn. Phương pháp này dễ dàng thực hiện với chi phí thấp và có thể áp dụng trên các tuyến cao tốc hiện nay như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Hải Phòng.
Thứ hai, đối với lực lượng CSGT:
1. Sử dụng máy đo chuyên dụng để đo khoảng cách giữa hai xe cùng chiều, làm căn cứ để tiến hành xử phạt vi phạm.
Trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng CSGT, việc xác định khoảng cách giữa hai xe cùng chiều còn gặp nhiều khó khăn. Tại nước ta hiện nay, chưa có máy móc thiết bị nào giúp xác định một cách định lượng khoảng cách giữa hai xe cùng chiều.  Hiện tại, lực lượng CSGT mới chỉ xử phạt các trường hợp không đảm bảo khoảng cách an toàn dẫn đến va chạm giao thông hoặc TNGT. Khi đó, tính phòng ngừa của công tác xử phạt sẽ mất tác dụng khi TNGT xảy ra. Để xử phạt những người điều khiển phương tiện đi quá gần với xe phía trước, cần áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến nhằm cung cấp những chứng cứ pháp lý chứng minh hành vi vi phạm hành chính của người điều khiển phương tiện. Cho tới nay, chưa có nhiều các công cụ để xác định hành vi không giữ khoảng cách an toàn của người điều khiển xe. Một trong những công cụ được sử dụng nhiều nhất hiện nay tại Mỹ là máy đo VASCAR[8]. Hệ thống định vị này xác định vận tốc của hai xe, sử dụng một đồng hồ bấm giờ (Stopwatch) và một camera, khi đó CSGT sẽ tiến hành đo đạc thời gian tương ứng với khoảng cách giữa hai xe. Chọn một điểm dấu mốc (cột điện, biển báo, vạch kẻ dành cho người đi bộ qua đường...), khi xe trước đi qua dấu mốc, cảnh sát viên sẽ ấn nút bắt đầu đếm giây, cho đến xe thứ hai đi qua dấu mốc thì ấn dừng lại. Máy sẽ đưa ra kết quả thời gian, khoảng cách tương ứng với vận tốc của mỗi xe để làm căn cứ xử phạt. Ưu điểm của hệ thống này là không bị phát hiện bởi các thiết bị dò radar của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, hệ thống này có nhược điểm là độ chính xác của kết quả phụ thuộc vào thao tác trên máy đo của CSGT.
2. Sử dụng phần mềm đo khoảng cách tích hợp vào các máy đo tốc độ cầm tay đã được trang bị sẵn cho lực lượng CSGT, hoặc các máy đo tốc độ có sẵn trên thị trường.
Công ty Laser Technology có trụ sở đặt tại Centennial, Bang Colorado, Mỹ đã đưa ra một phần mềm tên là DBC (Distance between cars - khoảng cách giữa các xe) được cài đặt lên các máy bắn tốc độ cầm tay LTI Ultralyte Model 100 đã có sẵn trên thị trường[9]. Phần mềm tự động này giúp lực lượng CSGT xác định được khoảng cách cũng như thời gian giữa hai xe cùng chiều nối tiếp nhau tương ứng với vận tốc của cả hai xe. Kết quả do máy trích xuất ra có độ chính xác rất cao vì hoàn toàn được thao tác và tính toán một cách tự động, căn cứ dựa vào hình ảnh được chụp theo tỷ lệ và khoảng cách không thay đổi.
3. Lắp đặt hệ thống radar chuyên dụng trên các tuyến đường cao tốc mới đưa vào sử dụng.
Công ty Driver Safety Systems (DSS) tại Isarel đã phát minh ra một hệ thống radar tự động, bao gồm hai máy thu và phát sóng điện từ là tia hồng ngoại[10]. Máy phát đặt trên tuyến đường phát ra các tia hồng ngoại, khi các phương tiện di chuyển qua sẽ phản lại các tia đó và nhận về máy thu. Từ sóng điện từ thu được, máy tính xác định tốc độ và khoảng cách giữa các xe ô tô di chuyển trên đường cao tốc, khi phát hiện ra những xe có dấu hiệu bám sát xe trước, không giữ khoảng cách an toàn tối thiểu tương ứng với vận tốc di chuyển của xe, camera sẽ tự động chụp lại biển số xe và gửi dữ liệu về trung tâm xử lý vi phạm bằng hình ảnh, sau đó lực lượng CSGT sẽ tiến hành gửi biên bản xử phạt về địa chỉ cư trú của người điều khiển phương tiện vi phạm./.
                                                                                    Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1], [2] Nguyễn Xuân Trục, Dương Ngọc Hải và Vũ Đình Phụng, “Sổ tay thiết kế đường ô tô”, Nhà xuất bản Giáo dục, 2000.
[3] Günter Breyer, Cedr’s Tg road safety “Safe distance between vehicles”, Conference of European Directors of Road, 2010.
[4] Article R412-12, Section 2, Chapitre II, Titre Ier, Livre IV, Partie réglementaire Code de la route, France.
[5] Toby Halligan, “Road Safety (Drivers) Regulations 2009”, Australia, 2009.
[6] Article 43, Section 2, Chapter 4, Law of the People's Republic of China on Road Traffic Safety, China.
[7] Article 12.16 p.4, Code of Administrative Offenses of the Russian Federation, “State Traffic Safety Inspectorate”, 2017.
[8] Allcott, William, "A Better Speed Trap", Richmond Times-Dispatch 1987.
[9] Bob Galvin, “New Tech targets tailgaters using lidar to slow down life in the fast lane”, Law Officer Magazine, 2008.
[10] Bob Galvin, “Laser device takes on tailgating”, Law Officer Magazine, 2009.