Ghế ngồi ô tô cho trẻ em (Ghế an toàn cho bé, ghế nâng cho bé) - là những thiết bị được lắp đặt trong xe ô tô để vận chuyển trẻ em và được cố định bằng dây an toàn thông thường hoặc ốc vít bổ sung. Ghế ngồi ô tô được sử dụng cho trẻ em có chiều cao dưới 150 cm hoặc trọng lượng đến 36 kg. Ghế phải được lắp đặt để đảm bảo trong trường hợp ô tô xảy ra va chạm hoặc phanh gấp có thể hạn chế đến mức thấp nhất chấn thương cho trẻ em, trẻ vẫn được cố định trên ghế, không bị văng ra ngoài vị trí ngồi. Việc lắp đặt ghế có thể giảm tới 60% nguy cơ tử vong cho trẻ trong trường hợp xảy ra sự cố va chạm khi lưu thông trên đường.
Ghế ngồi ô tô cho trẻ em đã có lịch sử phát triển tương đối lâu đời. Vào năm 1935, trên tạp chí Modern Mechanix (Hoa Kỳ) số tháng tư đã đăng tải một bài viết đề cập đến một thiết bị đặc biệt được gắn vào sàn xe để vận chuyển trẻ em trong xe hơi. Chiếc ghế ngồi ô tô khi đó trông rất khác so với các mô hình ngày nay, ghế được gắn trên thanh thép, khả năng giảm thiểu chấn thương khi xảy ra tai nạn là tương đối thấp. Chức năng của chiếc ghế khi đó chủ yếu để giữ trẻ ngồi yên, không làm phiền người lái xe. Tuy nhiên, phát minh đó cũng đã góp phần tạo nền tảng để các nhà nghiên cứu tập trung vào việc hoàn thiện thiết bị an toàn chuyên dụng dành riêng cho trẻ em khi ngồi trên ô tô.
Năm 1939, diện mạo của ghế ngồi ô tô cho trẻ em đã được thay đổi, gần giống với những mẫu ghế ngày nay và được trang bị đai giữ. Người sáng chế là Lester Bresson đến từ Torrington, Connecticut. Ghế được gắn vào chốt, được tích hợp vào sàn xe giữa hai ghế trước.
Vào ngày 20/3/1958, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, "Thỏa thuận Genève" đã được ký kết, trong đó có “Thỏa thuận về việc đảm bảo an toàn của trẻ em khi tham gia giao thông trên xe ô tô”. Văn bản này đã đánh dấu một mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo đảm ATGT hướng tới đối tượng là trẻ em.
Năm 1962, các kỹ sư Gene Ames người Anh và Leonard Rivkin người Hoa Kỳ đã độc lập phát triển ghế ngồi ô tô cho trẻ em đầu tiên và nhận bằng sáng chế cho phát minh này. Mẫu mới của ghế ngồi ô tô cho trẻ em đã trở thành nguyên mẫu của chiếc ghê hiện đại, được thiết kế vào năm 1963 bởi Giáo sư Beces Aldman. Ghế ngồi ô tô cho trẻ em được lắp đặt ở ghế trước, ngược chiều chuyển động của xe. Năm 1967, công ty Volvo của Thụy Điển đã cho ra mắt chiếc ghế ngồi ô tô cho trẻ em tại triển lãm ô tô quốc tế và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng.
Vào năm 1977, "Liên minh người tiêu dùng" Mỹ đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên đối với ghế ngồi ô tô của trẻ em. Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã sử dụng một hình nộm trẻ con (chiều cao 97 cm), bên trong có các cảm biến để tiến hành đo đạc lực tác động lên các bộ phận đầu, cổ và ngực.
Vào ngày 17/11/1982, Tiêu chuẩn Châu Âu về Thử nghiệm ghế ngồi ô tô cho trẻ em - ECE R 44 đã được phê duyệt. Theo đó, không được phép vận chuyển trẻ em cao dưới 150 cm mà không có các thiết bị chuyên dụng (quy định này có hiệu lực ở hầu hết lãnh thổ Châu Âu).
Trong những năm tiếp theo, các tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em liên tục được thắt chặt. Các thử nghiệm va chạm đối với ghế ngồi ô tô cho trẻ em liên tục được tiến hành, từ đó giúp xác định những điểm hạn chế, chưa hợp lý để các nhà sáng chế, các công ty sản xuất khắc phục, ngày càng hoàn thiện thiết kế của sản phẩm. Trải qua thời gian, Bộ tiêu chuẩn đã trải qua bốn lần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Viện quốc tế ISO đã phát triển tiêu chuẩn Isofix, trong đó xác định phương pháp cố định ghế ngồi ô tô cho trẻ em vào thân xe. Ngày 7/8/1995, tiêu chuẩn Isofix đã được quy định chính thức trong Tiêu chuẩn ECE R 44/03. Isofix có thiết kế đơn giản, dễ dàng lắp đặt trên ô tô, giúp tăng độ ổn định cho ghế trẻ em. Đồng thời, đứa trẻ được cố định an toàn với dây đai độc lập bên trong.
Vào cuối những năm 2000, các công ty Hoa Kỳ đã phát triển tiểu chuẩn Latch về thiết bị cố định ghế an toàn cho trẻ em trên ô tô. Thiết kế mới giúp giảm trọng lượng của ghế chuyên dùng, thay đổi cấu trúc cố định ghế (khóa bằng thép Latch được đặt trên dây đai chắc chắn). Một đặc điểm quan trọng khác là nhờ các phụ kiện đàn hồi sẽ giúp giảm thiểu xung động hấp thụ tại thời điểm xảy ra tai nạn. Ngoài ra, kết cấu mới còn cho phép tăng trọng lượng cho phép của trẻ (lên tới 29,6 kg).
Phân loại ghế an toàn trẻ em
Theo tiêu chuẩn ECE R44/04 của Liên hợp quốc, ghế ngồi ô tô cho trẻ em được chia làm 5 nhóm.

Ghế ngồi trên ô tô cho trẻ em đã được chứng minh có thể giảm tới 60% nguy cơ thương vong cho trẻ trong trường hợp không may xảy ra va chạm giao thông. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên năm 2018 của WHO cho thấy đến thời điểm hiện tại mới có 33 quốc gia trên thế giới đã áp dụng quy định bắt buộc phải lắp đặt thiết bị ghế an toàn dành riêng cho trẻ em khi di chuyển trên ô tô. Trong công tác cưỡng chế vi phạm quy định về thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ em, chỉ có 22 quốc gia được đánh giá ở mức độ “Tốt”.

          Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây những gia đình có con nhỏ, sở hữu ô tô đã bắt đầu quan tâm đến sản phẩm ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô. Thị trường cho mặt hàng này cũng vô cùng phong phú với nhiều nhãn hiệu, kiểu dáng đa dạng. Tuy nhiên, người tiêu dùng còn thiếu kiến thức về việc chọn lựa sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng, việc lắp đặt đúng quy cách cũng như việc kiểm soát chất lượng sản phẩm này còn chưa được quy định cụ thể. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đẩy mạnh việc tuyên truyền nhận thức cho người dân về vai trò của ghế an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô cũng như cần có những đề xuất, kiến nghị để việc lắp đặt phương tiện này trở thành quy định bắt buộc, từ đó góp phần giảm thiểu nguy cơ thương vong cho trẻ khi tham gia giao thông, góp phần thực hiện tốt mục tiêu “An toàn giao thông cho trẻ em”.

Đinh Thị Phương Dung
Trung tâm Nghiên cứu ATGT - Học viện CSND

Tài liệu tham khảo

-      https://bezdtp.ru/bezdtp/ru/kids_safety_history

-      https://vietnambiz.vn/ghe-an-toan-tre-em-tu-huyet-thuong-bi-nguoi-viet-bo-qua-22521.html

-      https://ru.wikipedia.org/wiki/Детское автокресло