Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có Đại tá, TS Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Đại tá Hà Xuân Bàn, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và lịch sử Công an nhân dân; TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; đại diện lãnh đạo các phòng CSGT, Công an các đơn vị địa phương, đại diện trường Cao đẳng CSND I; Cao đẳng CSND II; các Vụ, Cục chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các công ty công nghệ hoạt động trên lĩnh vực công nghệ giao thông vận tải: Công ty CP Biển Bạc, Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC, Bộ Xây Dựng, Công ty CP Phần mềm - Tự động hóa - Điều khiển (CadPro JSC), Công ty TNHH TM và XNK Thiên Minh.
Về phía Học viện CSND có Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện.
Trong thời gian qua, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại hiệu quả to lớn và có những tác động tích cực trong quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều tiềm năng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng 4.0 vào trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT ở nước ta chưa được khai thác triệt để.
Để khai thác và ứng dụng tiềm năng khoa học vào công tác bảo đảm TTATGT một cách hiệu quả cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế pháp luật đối với khoa học, công nghệ và có những giải pháp mạnh mẽ tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ, nâng cao trình độ lực lượng CSGT, thu hút đội ngũ cán bộ và khoa học đầu ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng hỗ trợ giải bài toán về TTATGT của Việt Nam hiện nay.
Nhận thức được vấn đề này, Tiểu Ban lý luận bảo đảm TTATXH, Hội đồng lý luận Bộ Công an và Học viện CSND phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 trong quản lý trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam”.
Thiếu tướng, GS. TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện đã khái quát về lịch sử các cuộc cải cách công nghiệp và đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc cải cách công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển nhanh chóng và có những tác động sâu rộng đến sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nếu bị bỏ lại phía sau của cuộc cách mạng này thì sự tụt lùi về phát triển là tất yếu.
Đồng chí Giám đốc Học viện khẳng định, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn trao đổi, đánh giá đúng tình hình ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT hiện nay, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất cho chính phủ, các cơ quan chức năng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng 4.0 trong công tác quản lý TTATGT.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo đề dẫn, các báo cáo tham luận, trao đổi của các nhà khoa học và cán bộ thực tiễn, trên cơ sở phân tích trực trạng ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác bảo đảm TTATGT, các đại biểu đã đề xuất một số những kiến nghị và giải pháp, cụ thể: Một là, phải có nhận thức đúng đắn và định hướng phát triển rõ ràng về ứng dụng công nghệ số về giao thông trong điều kiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có kế hoạch tổng thể về phát triển hệ thống quản lý giao thông thông minh quốc gia, phù hợp với từng lộ trình, giai đoạn cụ thể. Hai là, Cục Cảnh sát giao thông tham mưu cho Bộ Công an rà soát, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án khoa học công nghệ về bảo đảm TTATGT. Ba là, tăng cường đầu tư hoàn chỉnh hệ thống quản lý TTATGT, triển khai mở rộng phần mềm xử lý vi phạm giao thông cho các đơn vị trên toàn quốc. Bốn là, tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong quản lý nhà nước về TTATGT. Năm là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ về lĩnh vực công nghệ thông tin và khoa học đáp ứng tốt yêu cầu công tác bảo đảm TTATGT, có cơ chế chính sách thu hút nhân tài thực hiện công tác chuyên sâu; thực hiện trang bị đầy đủ phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc đối với cán bộ CSGT toàn quốc nhằm đảm bảo tốt công tác chuyên môn. Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi khoa học, công nghệ về tổ chức, quản lý TTATGT với các quốc gia trên thế giới. |