Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống sông, kênh dày đặc, diện tích vùng nội thủy rộng tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy nội địa có sự liên thông giữa các địa phương và các vùng trong cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động GTVT thông suốt, an toàn. Đường thủy nội địa còn là một trong những địa bàn quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên do sự tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra với cường độ ngày càng mạnh làm ảnh hưởng đến các hoạt động trên đường thủy nội địa, gây ra những thiệt hại rất lớn về người, tài sản và phương tiện.
Chính vì vậy, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phòng chống khắc phục thiên tai trên đường thủy nội địa có vai trò đặc biệt quan trọng, không những làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra mà còn góp phần bảo đảm TTATGT, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên đường thủy nội địa. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này các lực lượng chức năng đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác, trong đó lực lượng Cảnh sát cơ động là một trong các lực lượng tiên phong đi đầu cùng với các lực lượng chức năng khác đã có những đóng góp to lớn giúp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta nói chung và trên đường thủy nội địa nói riêng.
Các báo cáo tham luận tại hội thảo của đại diện các ngành, các lực lượng trên phương diện và góc độ riêng biệt đều phân tích và đánh giá rất sâu sắc thực trạng công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phòng chống, khắc phục thiên tai trên đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phòng chống, khắc phục thiên tai trên đường thủy nội địa nhằm hạn chế và giảm thiểu hậu quả, thiệt hại do TNGT đường thủy hay thiên tai gây ra trên đường thủy nội địa, trong đó tập trung theo các hướng: tăng cường quan hệ phối hợp trong công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phòng chống, khắc phục thiên tai trên đường thủy nội địa; chú trọng tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phòng chống thiên tai trên đường thủy nội địa.
Đặc biệt hội thảo đều thống nhất và nhận định rằng, bên cạnh những mặt kết quả đã đạt được, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phòng chống, khắc phục thiên tai trên đường thủy nội địa ở nước ta còn có những hạn chế do những nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra.
Để giảm thiểu hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên đường thủy nội địa trong thời gian tới, các đại biểu đều nhận định cần phải có những giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài, cụ thể:
- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành một cách toàn diện, đa dạng và chặt chẽ hơn;
- Tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo thời tiết để kịp thời trao đổi thông tin về tình hình có liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phòng chống, khắc phục thiên tai trên đường thủy nội địa;
- Xây dựng lực lượng Công an, Quân đội và các lực lượng chức năng khác đủ về số lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn;
- Đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, các trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân và vận động nhân dân tự giác, tích cực chấp hành các quy định an toàn khi tham gia giao thông trên đường thủy nội địa nhằm ngăn ngừa TNGT đường thủy, chủ động phòng chống thiên tai, có kỹ năng ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố trên phương tiện khi đang hoạt động trên đường thủy…
Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông