Qua những nghiên cứu thực tiễn vào năm 2012, WHO đã đưa ra các thống kê về tình hình TNGT đường bộ ở trẻ em trên toàn cầu như sau: TNGT đường bộ nằm trong số 4 nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em.
Bảng 1 – Những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em dưới 18 tuổi trên toàn thế giới trong năm 2012.
(Nguồn: Tổ chức y tế Thế giới, 2014)
 
Có thể thấy tỷ lệ trẻ em gặp TNGT đường bộ ngày càng gia tăng khi độ tuổi tăng lên. Những trẻ em ở độ tuổi từ 15-17 tuổi có khả năng gặp TNGT cao nhất do đây là nhóm tuổi đã bắt đầu tự điều khiển phương tiện nhưng lại chưa ý thức được những nguy hiểm tiềm tàng khi tham gia giao thông. Những trẻ em nam sẽ có nguy cơ gặp TNGT cao gấp 2 lần so với trẻ em nữ.
Trẻ em ở các nước chậm phát triển và đang phát triển có nguy cơ tử vong khi gặp TNGT cao gấp 3 lần so với những trẻ em ở các nước phát triển.
Bảng 2 - Tỷ lệ tử vong do TNGT đường bộ của trẻ em dưới 18 tuổi trên toàn thế giới (tính trên 100.000 dân) trong năm 2012. (Nguồn: Tổ chức y tế Thế giới, 2014)
 
Cũng theo thống kê của WHO, có một sự thật đáng ngạc nhiên đó là 38% số trẻ em bị tử vong và bị thương do TNGT khi đang đi bộ, phần lớn các vụ việc đáng tiếc đó xảy ra ở các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển. Ở nơi đó, các em bé phải đi bộ trên những con đường có rất đông các phương tiện tham gia giao thông, trong khi các biện pháp bảo đảm an toàn như: vỉa hè, rào chắn, đường đi bộ, biển cảnh báo… lại chưa được quan tâm xây dựng. Có đến 36% số vụ tử vong ở trẻ em khi các em được chở trên ô tô, tuy nhiên người điều khiển phương tiện lại không trang bị các thiết bị an toàn cho trẻ, tình trạng này tập trung ở các nước phát triển.
Xuất phát từ thực trạng đáng báo động nêu trên, Liên Hợp Quốc đã phát động Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ ba với chủ đề “Hãy bảo vệ cuộc sống của trẻ em”. Trong suốt tuần lễ này, WHO, Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các đối tác trong đó có Quỹ Liên Đoàn Mô Tô Quốc Tế (Fédération Internationale de l'Automobile – FIA) và Quỹ Phòng Chống Thương Vong Châu Á (AIP) đã đưa ra 10 biện pháp chính để bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ:
1. Kiểm soát tốc độ
Vượt quá tốc độ cho phép là nguyên nhân gây ra tử vong của 1/3 số vụ TNGT tại các nước phát triển và 1/2 số vụ TNGT ở các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển. Để kiểm soát vấn đề tốc độ phương tiện cần thực thi mạnh mẽ các giải pháp sau:
+ Thiết lập các biển báo hạn chế tốc độ theo từng tuyến đường tùy theo các cấp đường và mật độ giao thông trên đường;
+ Sử dụng máy bắn tốc độ và camera giám sát để phát hiện những lái xe vi phạm, có biện pháp xử phạt răn đe kịp thời;
+ Nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình tổ chức giao thông: lắp đặt đèn tín hiệu, gờ giảm tốc, bố trí các nút giao thông vòng xuyến…
 
2. Phòng chống sử dụng chất có cồn khi lái xe
Việc sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT. Nguy cơ đó sẽ tăng đáng kể khi người lái xe có nồng độ cồn trong máu (BAC) khoảng 0,04 g/dl. Các biện pháp đưa ra đó là:
+ Quy định giới hạn BAC khi điều khiển phương tiện từ 0,05 g/dl trở xuống cho tất cả các lái xe và giới hạn BAC từ 0,02 g/dl trở xuống đối với những lái xe còn non kinh nghiệp;
+ Quy định cụ thể về việc mua bán các chất có cồn: giới hạn độ tuổi được phép mua, nghiêm cấm bán hàng sau 22h;
+ Hạn chế việc quảng cáo rượu bia, các chất kích thích tới đối tượng người chưa thành niên.
3. Sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp và xe máy
Đối với trẻ em, đội mũ bảo hiểm là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương sọ não khi điều khiển xe đạp, xe máy. Việc đội mũ bảo hiểm sẽ giúp những người đi xe đạp giảm 69% nguy cơ chấn thương đầu, người đi xe máy ở mọi lứa tuổi giảm 40% nguy cơ tử vong và hơn 70% nguy cơ gặp phải các tổn thương nặng ở vùng đầu. Những giải pháp sau đây sẽ nâng cao việc đội mũ bảo hiểm cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em:
+ Ban hành quy định của pháp luật đối với đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông;
+ Sản xuất mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Hạn chế sử dụng các loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng;
+ Đảm bảo số lượng và giá thành các mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn trên thị trường phù hợp với đặc điểm kinh tế quốc gia;
+ Tuyên truyền nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh trong việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, cung cấp miễn phíhoặc giảm giá mũ bảo hiểm của trẻ em.
4. Sử dụng thiết bị giữ trẻ an toàn trong phương tiện giao thông
Khi chuyên chở trẻ em trên ô tô, cần thiết phải trang bị những thiết bị bảo đảm an toàn như ghế ngồi thiết kế riêng cho trẻ em, dây đai an toàn… những thiết bị này phải phù hợp với độ tuổi, cân nặng, chiều cao của trẻ. Thống kê cho thấy, việc sử dụng các ghế ngồi phụ trợ được thiết kế riêng cho trẻ giúp làm giảm 59% số trường hợp chấn thương nặng khi xảy ra TNGT so với việc cha mẹ chỉ sử dụng dây đai an toàn. Các biện pháp sau đây sẽ tăng cường việc sử dụng thiết bị giữ an toàn cho trẻ trên phương tiện:
+ Đưa ra quy định của pháp luật bắt buộc sử dụng các thiết bị giữ an toàn cho trẻ khi chở trẻ em trên xe;
+ Việc sản xuất các thiết bị an toàn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế;
+ Đảm bảo số lượng và giá thành các thiết bị đạt tiêu chuẩn trên thị trường phù hợp với đặc điểm kinh tế quốc gia;
+ Thúc đẩy các chương trình cho vay và giáo dục gia đình về việc sử dụng các thiết bị giữ an toàn cho trẻ trên phương tiện.
5. Cải thiện tầm nhìn của trẻ em và khả năng quan sát thấy trẻ em của các phương tiện tham gia giao thông
Việc quan sát và được quan sát là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn giao thông của tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em do khả năng quan sát của trẻ vẫn còn có những hạn chế nhất định. Để cải thiện điều đó, các tổ chức quốc tế đã đưa ra các kiến nghị như:
+ Cha mẹ nên mặc quần áo trắng hoặc sáng màu cho trẻ;
+ Sử dụng các dải phản quang trên quần áo hoặc các vật dụng trên người như ba lô;
+ Thành lập các nhóm tình nguyện viên để hướng dẫn trẻ em xếp hàng, nối nhau qua đường;
+ Sử dụng đèn pha trên xe đạp, đèn phản quang trên xe đẩy của trẻ em;
+ Sử dụng đèn kích thước trên mô tô và xe máy ngay cả vào ban ngày;
+ Tăng cường chiếu sáng đường phố.
6. Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
+ Đầu tư sửa chữa nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như bổ sung đèn tín hiệu giao thông, vòng xuyến, gờ giảm tốc trên mặt phần xe chạy, xây dựng lối cho người đi bộ, hầm đường bộ, dải phân cách, tăng cường chiếu sáng;
+ Xây dựng những tuyến đường dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, những rào chắn cho các phương tiện giao thông di chuyển theo các hướng khác nhau;
+ Xây dựng các “vùng an toàn” xung quanh các trường học, tăng cường biện pháp làm giảm tốc độ phương tiện: gờ giảm tốc, đèn tín hiệu giao thông…; xây dựng các khu giải trí dành cho trẻ em để hạn chế việc trẻ em vui chơi, nô đùa ra đường.
7. Thay đổi thiết kế phương tiện giao thông đường bộ cho phù hợp với trẻ Thiết kế phương tiện giao thông phù hợp với trẻ em sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ:
+ Trang bị thêm các hệ thống an toàn chủ động và bị động cho phương tiện như dây đai, túi khí, hệ thống phanh khẩn cấp, ghế ngồi an toàn cho trẻ em, gương cầu lồi để tăng tầm nhìn của người lái xe…;
+ Trang bị hệ thống camera và hệ thống báo động khi phát hiện những vật thể nhỏ không quan sát được qua gương chiếu hậu;
+ Lắp đặt hệ thống “khóa - nồng độ cồn” trên các phương tiện giao thông để kiểm soát việc điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
8. Thực hiện chính sách cấp bằng lái từng phần cho trẻ em
Ở một số quốc gia, trẻ em từ 15 tuổi trở lên đã được quyền điều khiển phương tiện giao thông, chính bởi vậy đây là đối tượng gây ratỷ lệ không nhỏ các vụ TNGT trên toàn thế giới. Những vi phạm điển hình của các lái xe này là: điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép, sử dụng rượu bia và các chất có cồn, sử dụng điện thoại khi lái xe. Chính bởi vậy, chương trình đào tạo lái xe một cách từ từ và theo từng giai đoạn sẽ giúp cho những người lái xe trẻ tuổi tích lũy được kinh nghiệm cho tới khi đủ điều kiện để cấp giấy phép lái xe chính thức. Các biện pháp được liệt kê bao gồm:
+ Hạn chế tình trạng thanh thiếu niên sử dụng đồ uống có cồn và chất kích thích khi lái xe;
+ Quy định chỉ được phép điều khiển phương tiện khi có sự giám sát của người lớn;
+ Quy định hạn chế lái xe khi trời tối và hạn chế chuyên chở hành khách;
+ Xử phạt nghiêm khắc với những hành vi vi phạm Luật giao thông, Quy tắc tham gia giao thông.
9. Thực hiện các biện pháp chăm sóc chấn thương phù hợp cho trẻ bị thương do tai nạn giao thông
Vấn đề cấp cứu sau TNGT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu tổn thất của các vụ tai nạn, đặc biệt là đối với trẻ em. Chìa khóa của vấn đề chăm sóc chấn thương cho trẻ em được cụ thể bằng các hành động:
+ Đào tạo đội ngũ bác sỹ, y tá, người chăm sóc trẻ những kỹ năng sơ cứu trẻ em, hiểu được sự khác biệt sinh lý giữa trẻ em và người trưởng thành, qua đó đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp với trẻ em;
+ Xây dựng các bệnh viện dành cho trẻ em để đảm bảo khả năng chăm sóc tốt nhất;
+ Cải thiện các dịch vụ phục hồi chức năng cho trẻ em, đặc biệt là hướng dẫn các bài phục hồi chức năng tại nhà;
+ Tăng cường cung cấp các dịch vụ tư vấn, đường dây nóng để hướng dẫn xử lý các vết thương do TNGT của trẻ và những thắc mắc về pháp luật và tài chính.
10. Giám sát trẻ khi ở ngoài đường:
Khả năng nhận thức những nguy cơ khi tham gia giao thông của trẻ còn rất hạn chế, do đó vai trò của cha mẹ và những người chăm sóc trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ phải hướng dẫn và tạo cho trẻ thói quen tuân thủ luật lệ an toàn giao thông, ví dụ như hướng dẫn trẻ em sử dụng mũ bảo hiểm, chỗ ngồi dành cho trẻ em trên ô tô, cách thắt dây an toàn và tuân thủ các biển báo giao thông trên đường…
Tại Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, Ngành cũng đang nỗ lực trong việc đảm bảo TTATGT cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em. Mới đây nhất, ngày 06/04/2015, các lực lượng chức năng đã triển khai những kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Đây là một sáng kiến toàn diện nhằm tăng tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Việt Nam cũng đã cam kết tham gia Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ ba vào ngày 05/05/2015. Qua đó, Việt Nam và các quốc gia trên khắp thế giới có thể tham gia ký kết “Kiến nghị an toàn đường bộ” nhằm kêu gọi tăng cường hoạt động cải thiện tình trạng giao thông đường bộ. Bằng cách truy cập vào trang web: www.savekidslives2015.org và thực hiện các bước hướng dẫn để đăng ký tham gia, chúng ta sẽ góp phần:
- Kêu gọi hành động để ngăn chặn sự gia tăng số ca tử vong do TNGT trên toàn thế giới;
- Đề nghị các cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp thiết thực, kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông;
- Ủng hộ phong trào an toàn đường bộ cho trẻ em trên toàn thế giới.
         Hãy hành động để bảo vệ tương lai của trẻ em!
Nguyễn Trần Hiệp
Trung tâm Nghiên cứu ATGT - Học viện CSND
        

[1] HIC: Các nước phát triển
[2] LMIC: Các nước chậm và đang phát triển