Liên hiệp quốc đã công bố tuyên ngôn thế giới về quyền con người, trong đó nhấn mạnh rằng trẻ em có quyền chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhưng đáng buồn thay, hàng ngày, hàng giờ trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới vẫn phải chịu cảnh đói nghèo, bệnh tật, phải đối mặt với những yếu tố tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng khi tham gia giao thông. Hiện nay, TNGT nói chung, TNGT đối với trẻ em nói riêng đã trở thành vấn đề cấp bách, thách thức mọi quốc gia trên thế giới và không dễ để giải quyết một cách triệt để.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới TNGT cướp đi sinh mạng của hơn 1,25 triệu người; khiến hơn 50 triệu người bị thương; gây thiệt hại ước tính 518 tỷ USD. Đặc biệt, mỗi năm có đến 186.300 trẻ em tử vong vì TNGT (trung bình 500 trẻ em tử vong/ngày, đồng nghĩa cứ 4 phút trôi qua là có một trẻ em tử vong vì TNGT). Các nghiên cứu của WHO cho thấy, thương vong do TNGT gây ra ở trẻ em nằm trong nhóm 5 nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em trên 5 tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nằm trong độ tuổi từ 15 - 19 tuổi. Đồng thời, tỉ lệ tử vong do TNGT ở trẻ em tại các nước đang phát triển cao gấp 3 lần so với các nước phát triển và có sự chênh lệch giữa các khu vực trên thế giới. Theo số liệu thống kê của WHO, tại các nước đang phát triển thuộc Châu Phi, Đông Nam Á và Địa Trung Hải, tỉ lệ tử vong vì TNGT trên 100.000 trẻ em (tương ứng là 53,1; 49,0 và 45,7) cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển thuôc khu vực Châu Âu, Châu Mỹ và Đại Tây Dương (tương ứng 21,8; 25,4 và 33,8).
Phân tích các vụ TNGT ở trẻ em cho thấy tỉ lệ trẻ tử vong khi đi bộ là cao nhất (chiếm 38%), khi tham gia giao thông bằng ô tô chiếm 36%, khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy chiếm 14% và thấp nhất ở nhóm các em tự điều khiển xe đạp (chiếm 6%) (xem biểu đồ 1)
Biểu đồ 1 - Tỷ lệ tử vong do TNGT ở trẻ em theo phương tiện sử dụng
Tuy nhiên, vấn đề an toàn giao thông cho trẻ em hiện chưa được quan tâm đúng mức. Theo khảo sát của WHO, tỉ lệ phụ huynh quan tâm đến vấn đề an toàn khi tới trường của con cái họ chỉ đạt 40% tại Trung Quốc, tại Mỹ con số này là 50%, thấp hơn rất nhiều so với các nước như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi (tương ứng 85%, 89%, 85%) (xem Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2 - T lệ phụ huynh quan tâm đến an toàn giao thông của con khi đến trường (%). (Nguồn: WHO).
Trong khi đó tại Việt Nam, mỗi năm có gần 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT. Đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, TNGT liên quan đến trẻ em và nạn nhân TNGT là trẻ em có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011-2016. Tại Hà Nội, TNGT liên quan tới trẻ em năm 2015 đã gia tăng theo cả 3 tiêu chí: số vụ, số trẻ bị chết và số trẻ bị thương. Học sinh cấp III là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong ba năm gần đây. Tỉ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp III tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 học sinh. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần của Cam-pu-chia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần của Hàn Quốc). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số trẻ em tử vong do TNGT tăng nhanh, từ 35 (năm 2013) lên 61 (năm 2014) và 111 (năm 2015). Học sinh cấp III (16 -18 tuổi) là đối tượng bị TNGT và tử vong cao nhất, trên 80% các vụ TNGT xảy ra khi trẻ em đang điều khiển phương tiện. Mức rủi ro dẫn đến tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP.Hồ Chí Minh cao gấp 3 - 4 lần mức rủi ro trung bình của người dân thành phố; cao gấp 8 - 9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.[1]
Trước thực trạng trên, Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cần tiến hành các chương trình hành động và giải pháp cấp bách, thiết thực để cải thiện an toàn đường bộ cho người tham gia giao thông nói chung, tập trung vào trẻ em nói riêng. Từ đó giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNGT cũng như thiệt hại do TNGT gây ra.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã quyết định lựa chọn chủ đề Năm An toàn giao thông là “An toàn giao thông cho trẻ em” với mục đích nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; Tiếp tục giảm TNGT từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017.
Theo người viết, để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, trang bị kiến thức và kỹ năng an toàn giao thông cho trẻ em
Giáo dục, trang bị kiến thức ATGT cho mọi người dân, trong đó có trẻ em là giải pháp nền tảng để giải quyết các vấn đề mất TTATGT hiện nay. Việc giáo dục ATGT cho trẻ em không chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho các em khi tham gia giao thông mà khi trưởng thành các em sẽ luôn có ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông. Phát triển các kỹ năng là một trong những yếu tố giúp trẻ em nhận thức được các yếu tố nguy hiểm, phản xạ lại các tình huống bất ngờ xảy ra và từ đó sẽ giảm thiểu những nguy cơ hay rủi ro khi tham gia giao thông.
Các nước trên thế giới rất quan tâm đến giáo dục ATGT cho trẻ em. Tại Nhật Bản, trong một năm Chính phủ phát động 2 chiến dịch tuyên truyền ATGT, mỗi chiến dịch kéo dài 10 ngày trên quy mô toàn quốc nhằm nhắc nhở, khuyến khích người dân tham gia giao thông an toàn. Chương trình giáo dục ATGT cho trẻ em của Nhật Bản rất sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm riêng của từng vùng miền. Tại Kyoto, nơi học sinh tiểu học chủ yếu tự đi xe đạp đến trường, các em sẽ phải hoàn thành một khóa học cơ bản để được cấp bằng lái xe đạp. Còn tại Tokyo, các em học sinh cấp I, II tự đi học bằng tàu điện ngầm, xe buýt nên việc giáo dục các kỹ năng an toàn khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng được chú trọng đẩy mạnh.
Việt Nam cần thiết phải xây dựng các chương trình giáo dục, phát triển kỹ năng ATGT cho trẻ em phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, môi trường sống cũng như tình hình thực tế của từng địa phương. Trước hết, cần tập trung vào các nội dung như: các quy tắc giao thông cơ bản, các loại biển báo hiệu giao thông, các hành vi nguy hiểm dẫn đến TNGT. Rèn luyện các kỹ năng cơ bản như cách sang đường, cách đi bộ, điều khiển xe đạp an toàn, thói quen thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô… Bên cạnh đó, việc giáo dục còn phải hướng đến hình thành văn hóa giao thông cho trẻ em, nhắc nhở các em không chen lấn, xô đẩy, không điều khiển phương tiện trên vỉa hè, có ý thức nhường chỗ và giúp đỡ người lớn tuổi, người khuyết tật khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng… luôn luôn chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình về việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em
Thực tế cho thấy, trẻ em hàng ngày đang phải đối mặt những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia giao thông. Nhiều vụ TNGT đáng tiếc xảy đến với trẻ em một phần do thiếu sự giám sát của cha mẹ cũng như các đối tượng tham gia giao thông khác. Trong vài năm trở lại đây, chương trình giáo dục về ATGT đã được đưa vào chương trình giảng dạy của các nhà trường. Tuy nhiên, bản thân các giáo viên cũng chưa thực sự hiểu rõ và nắm vững các kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng tham gia giao thông an toàn, do đó hiệu quả truyền đạt tới trẻ em chưa được như mong muốn. Cùng với đó, nhiều gia đình phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường. Cá biệt rất nhiều phụ huynh không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, điển hình như: không đội mũ bảo hiểm cho con em, coi việc đội mũ bảo hiểm chỉ là để chống đối các lực lượng chức năng; không tuân thủ việc thắt dây an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô... Những việc làm đó đã tạo nên những tấm gương xấu cho chính con em mình, khiến các em không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn cũng như tác hại mà các hành vi đó gây ra. Chính vì vậy, cần thiết phải nâng cao nhận thức cho gia đình, xã hội về vấn đề ATGT để tạo nên chuyển biến căn bản trong việc giáo dục, tuyên truyền từ đó hình thành những thói quen, kỹ năng tốt cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Thứ ba, tạo lập môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trẻ em dưới 11 tuổi không đánh giá hết được các yếu tố rủi ro trên đường. Do đó, vai trò giám sát của cha mẹ và những người tham gia giao thông khác thực sự rất quan trọng để góp phần đảm bảo sự an toàn cho các em trong môi trường hoạt động giao thông phức tạp.
Để giảm thiểu rủi ro cũng như thiệt hại do TNGT gây ra ở trẻ em cần phải kiểm soát tốc độ tại các nơi xung quanh trường học, khu vui chơi và nơi đông dân cư… Cụ thể, cần phải thiết lập và thực hiện các giới hạn tốc độ phù hợp với từng tuyến đường. Đồng thời, giới hạn tốc độ tối đa là 30 km/h trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao nơi có mặt của trẻ em, xung quanh khu vực trường học và khu vui chơi của trẻ em cũng như nơi dành cho người đi bộ.
Việc quan sát và được quan sát là điều kiện tiên quyết đề bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông, đặc biệt là trẻ em do khả năng quan sát của trẻ còn những hạn chế nhất định. Để cải thiện điều đó, các tổ chức quốc tế đã đưa ra các kiến nghị như cha mẹ nên mặc quần áo trắng hoặc sáng màu cho trẻ, sử dụng ba lô hoặc quần áo có các dải phản quang để dễ nhận biết; thành lập các nhóm tình nguyện viên để hướng dẫn trẻ xếp hàng qua đường…
Thứ tư, tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông
Ở nước ta, từ năm 2007 Chính phủ đã ban hành quy định bắt buộc người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tháng 4/2010 Quy định này đã được sửa đổi, theo đó trẻ em dưới 6 tuổi khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy cũng phải được đội mũ bảo hiểm. Đối với trẻ em, đội mũ bảo hiểm là biện pháp hiệu quả nhất trong việc giảm nguy cơ thương tích ở đầu trong khi lái xe đạp hoặc xe gắn máy mà bị tai nạn. Tại Việt Nam, sau 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, tỷ lệ người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đến nay đã đạt được hơn 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em hiện nay còn thấp, ở mức 35-40%. Các bậc phụ huỵnh cần nghiêm túc thực hiện việc đội mũ bảo hiểm cho con em. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành thường xuyên kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm, nghiêm khắc xử lý các cơ sở, cá nhân sản xuất hoặc kinh doanh mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn hiện hành. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình giáo dục cha mẹ sử dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy hoặc xe đạp và cung cấp mũ miễn phí hay giảm giá cho trẻ em.
Để giảm thiểu tỉ lệ tử vong cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô, cần phải sử dụng những biện pháp an toàn cho trẻ em phù hợp với thể trạng cũng như từng lứa tuổi. Thống kê cho thấy, việc sử dụng các ghế ngồi phụ trợ được thiết kế dành riêng cho trẻ em giúp làm giảm 59% số trường hợp chấn thương nặng khi xảy ra TNGT. Đối với trẻ sơ sinh đến 2 tuổi, cần sử dụng ghế an toàn và lắp đặt ghế ngược chiều với chiều chuyển động của phương tiện. Còn đối với trẻ trên 2 tuổi thì sử dụng đệm và ghế nâng cùng chiều chuyển động của phương tiện. Ngoài ra với trẻ em trên 10 tuổi hoặc cao trên 150 cm thì dùng dây an toàn thông thường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ về cách sử dụng các thiết bị an toàn trên ô tô, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ và hạn chế những vụ đáng tiếc xảy ra.  
ThS. Nguyễn Thế Anh
ThS. Đinh Thị Phương Dung
Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông, Học viện CSND

[1]Báo cáo kết quả công tác bảo đảm TTATGT năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 - Uỷ ban ATGT quốc gia