Hệ thống dây (đai) an toàn là bộ phận tối thiểu nhất trong hệ thống an toàn thụ động và không thể thiếu trên các xe hơi. Nhiệm vụ của hệ thống dây an toàn là giữ chặt người lái, người ngồi trên ô tô không cho bay về trước và đập vào kính chắn gió, va đập vào bảng đồng hồ, ghế trước… khi xe đột ngột dừng lại. Các chuyên gia đã tính toán rằng khi xe đang chạy với vận tốc 60 km/giờ, lúc phanh gấp theo lực quán tính thì người ngồi sẽ bị ném về phía trước với tốc độ tương đương. Còn nếu xe chạy 70 km/giờ thì lực va đập mà người có trọng lượng khoảng 70 kg phải chịu lên đến 3 tấn, còn ở tốc độ 80 km/giờ sẽ là 9 tấn. Xe chạy với vận tốc càng lớn thì lực càng được nhân lên nhiều lần. Các nghiên cứu ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy việc thắt dây an toàn giảm đáng kể tỷ lệ người chết và bị thương khi TNGT xảy ra. Cụ thể: ở Thuỵ Sĩ cho thấy, kể từ khi quy định thắt dây an toàn có hiệu lực thì số thương vong nghiêm trọng trong các vụ tai nạn giảm xuống 3 lần; ở Nhật Bản, các chuyên gia đã công bố rằng 75/100 trường hợp, dây an toàn sẽ cứu người lái xe khỏi tử vong khi bị đâm va mạnh, còn trong các vụ tai nạn bị lật đổ xe thì tỷ lệ đó sẽ là 91/100 trường hợp.
Ở Việt Nam, qua khảo sát thực tế tỷ lệ người lái xe và người ngồi trên xe thắt dây an toàn khi xe di chuyển chiếm tỷ lệ không cao; mới chỉ tập trung vào người lái xe và trên thực tế so sánh các vùng miền cho thấy các tỉnh phía nam chấp hành tốt hơn so với các tỉnh phía Bắc. Mặc dù quy định về bắt buộc phải thắt dây an toàn đối với người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn đã có trong Luật GTĐB năm 2001 đến nay. Đến thời điểm 2016, để phù hợp với Công ước 1968 về GTĐB mà Việt Nam đã tham gia ký kết và có hiệu lực từ ngày 20/8/2014 khi ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; tại điểm K, Khoản 1, Điều 5 quy định Xử phạt 100.000đ đến 200.000đ đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm hành vi “Không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy (thời điểm áp dụng từ ngày 01/01/2018).
Theo kết quả phân tích 2.232 vụ TNGT trên các tuyến đường quốc lộ năm 2015 của Cục CSGT, tỷ lệ người điều khiển và người ngồi trên xe sử dụng dây an toàn như sau: Đối với người lái xe: có thắt dây an toàn 1.144 tường hợp (chiếm tỷ lệ 51,25%); không thắt dây an toàn 57 trường hợp (chiếm tỷ lệ 2,55%) và chưa rõ về thắt dây an toàn 1.031 trường hợp (chiếm tỷ lệ 46,2%).
Kết quả phân tích tình trạng thắt dây an toàn khi điều khiển ô tô đang chạy trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 16/11/2013-15/5/2016 cho thấy:
- Trong 571 vụ TNGT liên quan đến ô tô con: có 379 vụ TNGT người điều khiển phương tiện có thắt dây an toàn, chiếm 66,37%; 33,63% còn lại là không rõ tình trạng thắt dây an toàn và không thắt dây an toàn.
- Trong số 53 vụ TNGT liên quan đến xe ô tô khách: có 37 vụ TNGT người điều khiển phương tiện thắt dây an toàn, chiếm 69,81%; 29,19% còn lại là tình trạng không thắt dây an toàn hoặc không rõ tình trạng thắt dây an toàn.
- Trong số 153 vụ TNGT liên quan đến xe ô tô tải: có 133 vụ TNGT người điều khiển phương tiện thắt dây an toàn, chiếm 86,92%; 13,18% còn lại là tình trạng không thắt dây an toàn hoặc không rõ tính trạng thắt dây an toàn.
Điển hình nhất phải kể đến vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 7/6/2014 giữa 01 xe taxi 4 chỗ BKS: 29A - 966.78 và 1 chiếc xe tải trên cầu Thăng Long, Hà Nội. Toàn bộ lái xe và hành khách trên xe taxi không thắt dây an toàn, vì vậy, khi tai nạn xảy ra khiến toàn bộ nóc xe bị bật tung, hai hành khách đã bị văng ra đường và tử vong, tài xế bị va đập mạnh trong xe cũng không qua khỏi; còn một hành khách thì bị thương nặng.  
Mặc dù vai trò của dây an toàn trên xe ô tô rất quan trọng đối với việc giamg thiểu thương vong trong các cụ TNGT; nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc chấp hành quy định này ở Việt Nam chưa được thực thi một các nghiêm túc. Mặc dù, trên thực tế lực lượng CSGT các địa phương nhất là các đô thị lớn đều tiến hành hoạt động xử phạt đối với lái xe ô tô không thắt dây an toàn khi điều khiển xe trên đường. Tuy nhiên, do số trường hợp vi phạm bị xử lý quá nhỏ so với hơn 4 triệu lượt trường hợp vi phạm Luật GTĐB hàng năm nên không tách riêng số liệu thống kê mà chỉ chủ yếu tập trung thống kê vào các hành vi vi phạm phổ biến như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, phần đường; tránh vượt khong đúng nơi quy định; chở quá tải trọng, chở quá khách, vượt đèn đỏ… Những nguyên nhân cụ thể:
Nguyên nhân từ phía người tham gia giao thông: Do nhận thức về vai trò của dây an toàn đối với việc bảo vệ an toàn cho tính mạng và sức khỏe của bản thân còn hạn chế. Do tâm lý ngại vì vướng víu khi ngồi trên xe. Do suy nghĩ chỉ di chuyển quãng đường ngắn nên không cần thắt dây an toàn. Do suy nghĩ di chuyển với tốc độ thấp nên có thể chủ động xử lý được các tình huống trên đường khó xảy ra va chạm, TNGT. Chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng dây đai để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và hành khách đi cùng. Do hành vi không thắt dây an toàn trên xe ô tô khó bị phát hiện để xử lý theo quy định.
Nguyên nhân từ phía quản lý Nhà nước: Do nhận thức của các cơ quan Quản lý Nhà nước về TTATGT còn hạn chế về vai trò của dây an toàn trên xe ô tô đối với việc giảm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe khi TNGT xảy ra. Chưa có các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của dây an toàn trên xe ô tô và ý thức tự giác thắt dây an toàn khi di chuyển bằng xe ô tô. Chế tài xử phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn trên xe ô tô quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe.
Nguyên nhân từ phía lực lượng Cảnh sát giao thông: Lực lượng CSGT chưa thực sự quan tâm đến việc xử lý vi phạm thắt dây an toàn trên xe ô tô. Lực lượng CSGT chưa được đầu tư đầy đủ các loại phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm không thắt dây an toàn trên xe ô tô.
Để nâng cao hiệu quả chấp hành quy định thắt dây an toàn trên xe ô tô khi xe đang chạy nhằm giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đối với những người trên xe ô tô khi xảy ra tai nạn giao thông; trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Một là, đề xuất bổ sung quy định bắt buộc thắt dây an toàn đối với lái xe và người được chở trên xe ô tô tại vị trí có trang bị dây an toàn” vào Luật Giao thông đường bộ. Mặc dù trogn Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định chế tài xử phạt đối với nhưng người ngồi trên xe ôtô có trang bị dây an toàn mà không sử dụng. Tuy nhiên, trong Luật GTĐB năm 2008 hiện đang có hiệu lực vẫn chưa quy định vấn đề này.
Tăng chế tài xử phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn đối với lái xe và người ngồi trên xe ô tô di chuyển trên đường cũng như hành vi lái xe để người ngồi trên xe không thắt dây an toàn. Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi này mới chỉ ở mức từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng tương đương với chế tài xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. Do vậy chưa đủ sức răn đe, cần tăng chế tài xử phạt lên. Vấn đề này chúng ta đã có kinh nghiệm từ năm 2007 khi áp dụng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe mô tô,xe gắn máy.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền quy định về thắt dây an toàn trên xe ôtô và hoạt động cưỡng chế đối với hành vi không thắt dây an toàn trên xe ôtô của lực lượng CSGT. Sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, thông qua hoạt động TTKS, xử lý vi phạm… Ủy ban ATGT Quốc gia cần phối hợp với Truyền hình Việt Nam và các cơ quan hữu quan xây dựng các chương trình để nêu bật ý nghĩa vai trò của dây đai an toàn khi xảy ra va chạm phát trên chương trình an toàn giao thông quốc gia, các phương tiện thông tin đại chúng. Sử dụng tờ rơi phát cho lái xe tại các trạm thu phí, bến xe, trạm dừng nghỉ; đặt các pano, áp-phích tại bến xe, trên các tuyến đường giao thông về vai trò của thắt dây an toàn và cách thắt dây an toàn đúng cách, quy định và chế tài xử phạt đối với hành vi không thắt dây an toàn...
Ba là, tăng cường công tác giáo dục ý thức thắt dây an toàn đối với các đối tượng thường xuyên sử dụng xe ô tô. Đối với công tác đào tạo lái xe: hướng dẫn sử dụng dây đai an toàn vào các chương trình đào tạo lái xe, yêu cầu bắt buộc sử dụng dây đai an toàn khi ngồi trên xe học lái. Nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng dây đai an toàn khi lái xe; ý thức nhắc nhở người cùng đi, hành khách trên xe sử dụng dây đai an toàn.
Đối với các cơ sở giáo dục:  đưa nội dung hướng dẫn sử dụng dây đai an toàn vào các chương trình an toàn giao thông trong các trường học để mọi người khi ngồi trên xe dù ở vị trí nào cũng nên đeo dây an toàn khi xe chạy.
Bốn là, lực lượng CSGT cần có chuyên đề xử lý vi phạm quy định về thắt dây an toàn đối với người lái xe và ngồi trên xe bên cạnh các chuyên đề xử lý vi phạm về tốc độ, về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm. Lực lượng CSGT khi tiến hành công tác TTKS, xử lý vi phạm quy định về thắt dây an toàn trên xe ô tô phải được trang bị camera giám sát trên áo, mũ hoặc phương tiện tuần tra, kiểm soát để chủ động ghi lại hình ảnh làm căn cứ xử lý đối với hành vi không thắt dây an toàn.  
Ngoài ra, từ việc triển khai có hiệu quả mô hình lập chốt kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế trong thời gian qua ở nước ta, đối với việc xử lý hành vi vi phạm quy định về thắt dây an toàn, lực lượng CSGT cần lập chốt kiểm tra về thắt dây an toàn trên xe ô tô. Yêu cầu: Chốt kiểm tra có tính hữu hình cao, dễ nhận biết, tập trung vào các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và đường đô thị và kiểm tra được càng nhiều lái xe càng tốt trong 1 ca TTKS theo nguyên tắc xe nào cũng có thể bị kiểm tra mà không có ngoại lệ - tập trung trong thời điểm bắt đầu sau 01/01/2018). Điều này sẽ có tác động lớn đến ý thức của người lái xe và những người ngồi trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ TTKS và xử lý vi phạm luôn chủ động phát hiện và xử lý đối với những người trên xe ô tô lưu thông trên đường không thắt dây an toàn. Vì đây là một hành vi khó bị phát hiện và xử lý, do vậy, khi phát hiện các vi phạm khác đối với lái xe ô tô, lực lượng CSGT cần chủ động phát hiện và xử lý hành vi không thắt dây an toàn đối với lái xe và những người ngồi trên xe. Với việc tiến hành quyết liệt, triển khai trên diện rộng và kéo dài sẽ có tác dụng làm thay đổi thói quen của người tham gia giao thông về thắt dây an toàn trên xe ô tô. Qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và sức khỏe trong các vụ TNGT liên quan đến xe ô tô./.
 Thiếu tá, ThS. Đặng Đức Minh
Trung tâm Nghiên cứu ATGT – T32