Với tốc độ di chuyển nhanh chóng ô tô, xe máy đã trở thành phương tiện cá nhân không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia, sự phát triển của chúng luôn kéo theo hệ quả là sự gia tăng số vụ TNGT, tuy nhiên điều này lại không xảy ra ở Nhật Bản. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, từ năm 1970 đến năm 2016, số người chết vì TNGT ở nước này đã giảm từ 16.000 người xuống còn hơn 4.000 người, trong khi số lượng phương tiện tăng lên gấp 5 lần. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực cao của Chính phủ Nhật Bản nhằm biến nơi đây trở thành quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất thế giới.
       Một trong những yếu tố được Chính phủ Nhật Bản quan tâm hàng đầu là giáo dục ý thức bảo đảm ATGT cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Nhật Bản coi đây là giải pháp nền tảng để giảm thiểu UTGT cũng như TNGT. Hầu hết các địa phương đều ban hành các kế hoạch đảm bảo ATGT trong vòng 5 năm và các kế hoạch này luôn luôn lấy công tác giáo dục pháp luật giao thông làm trọng tâm. Cứ 2 lần một năm, Chính phủ Nhật Bản lại phát động chiến dịch tuyên truyền ATGT kéo dài 10 ngày trên quy mô toàn quốc nhằm nhắc nhở, khuyến khích người dân tham gia giao thông an toàn. Nhờ có chính sách đầu tư cho giáo dục ATGT ngay từ khi bắt đầu bước vào ghế nhà trường mà ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân Nhật Bản được nâng cao. Nhật Bản quan niệm giáo dục ATGT là các hoạt động giáo dục tất cả đối tượng tham gia giao thông trong xã hội để phổ cập tư tưởng, kiến thức ATGT, làm cho mọi đối tượng tham gia giao thông có thói quen tốt về thái độ khi tham gia giao thông, bảo đảm ATGT đường bộ. Trẻ em Nhật Bản được phổ cập kiến thức ATGT ngay từ bậc tiểu học, với nội dung linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Chẳng hạn như ở Kyoto, nơi học sinh tiểu học chủ yếu di chuyển bằng xe đạp, các em sẽ phải hoàn thành một khóa học về ATGT để được cấp bằng lái xe đạp. Còn ở Tokyo, các em học sinh cấp 1, cấp 2 được bố mẹ cho tự đi học bằng tàu điện ngầm, xe buýt nên việc giáo dục ATGT khi sử dụng các phương tiện công cộng là rất cần thiết.
       Giáo dục ATGT cho thiếu nhi không chỉ nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông mà để khi lớn lên và tham gia giao thông dưới nhiều hình thức khác nhau các em cũng luôn có ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Vì vậy mục đích của giáo dục ATGT cho thiếu nhi là giáo dục về thái độ tuân thủ quy tắc giao thông cơ bản, tạo thói quen tốt khi tham gia giao thông phù hợp giai đoạn phát triển tâm sinh lý, đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để các em tham gia giao thông an toàn trong cuộc sống hàng ngày.
       Các nội dung trọng tâm trong công tác giáo dục ATGT cho thiếu nhi bao gồm:
       a. Kiến thức cần thiết khi đi bộ
       - Giáo dục cho thiếu nhi hiểu tính cần thiết của các quy tắc giao thông, giải thích rằng chỉ cần một người không tuân thủ quy tắc giao thông hoặc không có thói quen tốt khi tham gia giao thông thì sẽ làm cho giao thông trở nên lộn xộn, dễ xảy ra TNGT. Phải giúp cho thiếu nhi hiểu rằng khi đi trên đường, luôn luôn phải đi bên cạnh bố mẹ, người bảo mẫu hay những người lớn.
        - Ý nghĩa và các loại biển báo, hiển thị: giải thích cho thiếu nhi các loại biển báo, hiển thị “đường dành cho người đi bộ”, “cấm người đi bộ sang đường”, “dải sang đường”...
        - Hành vi nguy hiểm dẫn tới TNGT: giải thích cho thiếu nhi các hành vi nguy hiểm là các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT của các em như “chạy vụt qua đường”, “đi qua ngay trước hay sau xe hay tàu điện”, và giúp cho các em trách mắc phải những hành vi này.
        - Nơi dành cho người đi bộ: Về nguyên tắc, người đi bộ phải đi trên vỉa hè, lề đường đủ rộng. Nếu trên vỉa hè có chỉ dẫn phần dành cho xe đạp thì phải tránh phần đó ra. Nếu tuyến đường không có vỉa hè hoặc lề đường rộng thì phải đi bên mép phải.
       - Cách sang đường: Phần đường dành cho người đi bộ, cầu vượt hoặc hầm sang đường dàn cho người đi bộ
       - Cách sử dụng nút ấn thay đổi đèn tín hiệu:
        + Ấn nút và chờ cho tới khi đèn chuyển sang màu xanh.
        + Vào những thời điểm thông thường thì đèn thường chỉ nhấp nháy, người lái xe ô tô khó quan sát sự thay đổi của đèn nên thiếu nhi chỉ được sang đường khi xe đã dừng hẳn.
        + Phải chú ý quan sát cả đằng sau của xe đã dừng hoặc xe phía đối diện.
       - Khi sang đường ở nơi không có đèn tín hiệu: khi sang đường ở nơi không có thiết kế để sang đường an toàn như cầu qua đường, đường hầm dành cho người đi bộ hay khi qua đường ở nơi không có dải sang đường thì phải tìm nơi mà có thể quan sát tốt, đứng bên lề vỉa hè hoặc rìa đường để quan sát trái phải. Đồng thời, khi xe đang chạy đã dừng lại để nhường đường cho người đi bộ thì cũng cần phải quan sát sự chuyển động của các xe khác trước khi bắt đầu sang đường. Mặt khác, trong lúc sang đường cũng phải chú ý xem có xe nào đang tiến lại gần không? Tình hình xung quanh ra sao vì có nhiều khi đột nhiên có một xe khác từ đằng sau xe đang dừng đỗ.
       - Cách đi qua rào chắn tàu: dạy cho các em dừng phía trước rào chắn, quan sát trái phải; không được đi qua rào chắn tàu nếu đang có chuông cảnh báo hoặc đèn báo hiệu tàu đang sáng. Ngay cả khi không có chuông cảnh báo hoặc tín hiệu thì vẫn phải quan sát, khi thật sự an toàn thì mới đi qua.
       - Đi bộ khi trời mưa: dạy cho thiếu nhi cách giương ô để không cản trở quan sát, không được băng qua đường hoặc chạy quá nhanh.
       b. Những kiến thức cơ bản khi ngồi trên xe ô tô
       - Giáo dục cho thiếu nhi ngồi sau xe ô tô, sử dụng các thiết bị hỗ trợ như ghế dành cho trẻ em. Ngoài ra, khi ngồi trên ô tô không được vận động lộn xộn hay có các hành động làm ảnh hưởng tới việc lái xe như chạm vào tay lái. Dạy cho các em khi xuống xe ô tô để qua đường thì không được chạy ngang qua ngay trước hoặc sau ô tô.
       c. Xử lý khi gặp tai nạn
       - Giúp thiếu nhi có thể có được biện pháp xử lý cần thiết để được cứu trợ khi gặp tai nạn. Phải dạy cho các bé biện pháp xử lý cơ bản nhất khi gặp tai nạn như nhờ sự giúp đỡ của người qua đường, báo cho người thân hoặc Cảnh sát.
       Không chỉ được học ở trường lớp, trẻ em Nhật Bản còn được giáo dục ATGT ngay trong cuộc sống thường ngày. Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản rất quan tâm đến giáo dục ATGT cho trẻ em. Một công ty vận chuyển lớn của Nhật Bản thường xuyên mở những lớp học ATGT miễn phí cho trẻ em tại hơn 1.000 địa điểm trên khắp cả nước mỗi năm. Các tài xế xe tải sẽ mặc trang phục hoạt hình vui nhộn và giải đáp thắc mắc của các em về ATGT cũng như giải thích cho các em biết điểm nguy hiểm nằm ở đâu.
       Trong những năm gần đây, ở Nhật Bản nở rộ một phong trào giáo dục ATGT kiểu mới, đó là trường lái đặc biệt cho trẻ em. Những trường lái này cung cấp cho các em tất cả các kiến thức lý thuyết, thực hành cần thiết để đảm bảo an toàn trên đường và ai hoàn thành khóa học sẽ được cấp bằng lái như người lớn. Các học viên sẽ được tìm hiểu ý nghĩa của những tín hiệu cơ bản, chẳng hạn: “Đèn xanh nghĩa là gì?”, “Là đi ngay ư? Chưa chắc!”. Giáo viên sẽ dạy các em: “Đèn xanh là được phép đi nhưng chỉ sau khi các em quan sát kỹ và chắc chắn phía trước an toàn”. Ngoài ra, các giáo viên cũng sẽ giải thích một cách dễ hiểu về biển báo “đường một chiều” hay “đường cấm”. Kết thúc lớp học lý thuyết, học sinh sẽ được học thực hành lái xe. Học sinh cấp 2 và cấp 3 được lái xe go-kart (một loại ô tô thu nhỏ) động cơ motor, trong khi các bé nhỏ hơn (khoảng từ 3 - 10 tuổi) sẽ sử dụng xe go-kart chạy điện. Điểm đặc biệt của những chiếc go-kart này là chúng chỉ khởi động khi dây an toàn được thắt, được trang bị đèn xi-nhan và gương chiếu hậu hai bên giống như ô tô thật. Rải rác khắp trường lái sẽ là những biển báo giao thông y như đường phố thật, đòi hỏi các tài xế nhí phải tập trung chú ý khi lái xe. Khi đến các giao lộ, ngã rẽ, các tài xế nhí sẽ được chỉ dẫn thao tác quan sát, rẽ lái đúng và an toàn. Sau bài thực hành này, kết quả sẽ được công bố và những ai vượt qua vòng kiểm tra sẽ được nhận bằng lái.
       Tai nạn liên quan đến xe máy cũng là một mối quan tâm lớn ở Nhật Bản, do đó Trường đua Quốc tế Suzuka - đơn vị chuyên tổ chức giải đua công thức 1 Nhật Bản đã tổ chức một khóa học cho phép trẻ em được thi lấy bằng lái xe máy có tên là khóa học lái motor Pipira. Tại đây, trẻ em được học cách điều khiển xe máy và các quy tắc giao thông. Tùy theo độ tuổi mà học viên được cung cấp loại xe khác nhau. Em nào chưa biết đi xe đạp thì sẽ được cấp xe máy 3 bánh, còn những em đã biết đi xe đạp thì được sử dụng xe máy mini. Điểm chung của các loại xe là đều được trang bị đèn xi-nhan và đèn pha. Trong quá trình học thực hành, các bậc phụ huynh có thể lái xe bên cạnh con mình để chỉ dẫn giao thông cho các bé, nhờ đó cả gia đình được học ATGT cùng nhau.
       Giáo dục ATGT không đơn thuần chỉ dạy quy tắc và thói quen khi tham gia giao thông mà quan trọng là phải nuôi dưỡng ý thức tuân thủ, áp dụng vào cuộc sống thường nhật. Đây chỉ là một vài trong số những cách thức sáng tạo để giáo dục ATGT cho trẻ em ở Nhật Bản. Song, yếu tố quan trọng nhất làm nên tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT đó là giới chức lãnh đạo Nhật Bản luôn là tấm gương sáng. Để thuyết phục người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, nhiều quan chức cấp cao Nhật Bản tự nguyện di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm… Nhờ đó, phần lớn người dân Nhật Bản, thậm chí cả trẻ em cũng đều có thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, qua đó làm giảm đáng kể tình trạng ùn tắc và TNGT.
Nguyễn Như Linh
Trung tâm Nghiên cứu ATGT - Học viện CSND