Thống kê của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2016, mạng lưới đường bộ nước ta có tổng chiều dài khoảng 309.969 km, trong đó hệ thống quốc lộ dài 22.660 km, chiếm 7,31%.  Mặc dù chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng các tuyến quốc lộ có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ, không chỉ tạo thuận lợi cho sự đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân, đẩy mạnh tiến độ công việc, tăng năng suất lao động, phân bổ lại các nguồn tài nguyên, thu hút sự đầu tư kinh tế của cá nhân trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch và vận tải, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và khu vực mà còn góp phần tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thực hiện chiến lược phát triển GTVT và các quy hoạch phát triển chuyên ngành GTVT, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển GTVT; trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển đáng kể: Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được nâng cấp toàn diện, đồng thời hàng loạt tuyến cao tốc được xây dựng đồng bộ từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh phía Nam, các tuyến đường kết nối vùng kinh tế trọng điểm được hình thành. Gần đây nhất, tại kì họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long. Tổng mức đầu tư dự án trên 118.000 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư và hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách.
Các công trình xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được triển khai trên khắp cả nước đã và đang từng ngày, từng giờ làm thay đổi diện mạo đất nước, đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng mất an toàn giao thông trên các tuyến đường đang nâng cấp, sửa chữa cũng rất đáng lo ngại, trong thời gian qua đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhiều vụ ùn tắc giao thông kéo dài gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Tại nhiều công trình thi công, các nhà thầu và đơn vị thi công chưa chú trọng đến công tác bảo đảm ATGT trong quá trình sửa chữa, để vật liệu xây dựng tràn làn gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; các trang thiết bị cản trở, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; thiếu hệ thống đường tránh, cầu tạm; hệ thống tín báo hiệu, cảnh giới chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát quá trình thi công của các lực lượng chức năng còn chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục; quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương với Cảnh sát giao thông trong việc bảo đảm TTATGT tại các khu vực thi công có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mất ATGT vẫn còn ở mức cao.
Nhận thức được vấn đề này, nhằm đưa ra các kiến nghị, đề xuất cho Chính phủ, các cơ quan chức năng trong việc giảm thiểu các tác động của quá trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống quốc lộ. Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các đoạn, tuyến Quốc đang nâng cấp, sửa chữa”. 
Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung bổ sung, làm rõ một số vấn đề sau đây:
1. Khẳng định sự cần thiết và cấp bách trong việc nghiên cứu thực trạng, đánh giá đúng tình hình bảo đảm TTATGT trên các đoạn, tuyến quốc lộ đang nâng cấp sửa chữa, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất cho Chính phủ, các cơ quan chức năng trong việc giảm thiểu thiệt hại do quá trình nâng cấp sửa chữa bảo đảm TTATGT trên các đoạn, tuyến quốc lộ.
2. Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác bảo đảm TTATGT trên các đoạn, tuyến quốc lộ đang nâng cấp sửa chữa, các đại biểu đã đề xuất một số những kiến nghị và giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, ngành GTVT chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân và người tham gia giao thông tại các tuyến đường quốc lộ đang tiến hành thi công, sửa chữa nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông; cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông về các tuyến đường đang thực hiện công tác sửa chữa để họ có phương án di chuyển trên các tuyến đường khác, góp phần giảm lưu lượng trên tuyến đang sửa chữa.
Hai là, ngành GTVT chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban dự án cần có kế hoạch triển khai các dự án để có sự phối hợp tốt nhất, tránh chồng chéo, đảm bảo tiết kiệm, hạn chế tối đa việc đào hè, đường nhiều lần. Khi thực hiện công tác hoàn trả cần lựa chọn nhà thầu thi công chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm thi công trên địa bàn để đảm bảo có chất lượng thi công tốt nhất.
Ba là, Cơ quan quản lý đường bộ cần yêu cầu đơn vị thi công cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình đường bộ đang khai thác; thực hiện ngay việc tổ chức giao thông, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn, về ban đêm cần có đèn báo hiệu để cảnh báo, có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông, báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn.
Bốn là, các lực lượng thuộc ngành Công an (CSGT, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát 113, Cảnh sát Trật tự) xây dựng, triển khai và phối hợp thực hiện các phương án phòng ngừa, giải quyết UTGT tại các đoạn, tuyến giao thông đang nâng cấp, sửa chữa có nguy cơ xảy ra UTGT, TNGT; huy động các lực lượng phối hợp như Thanh tra giao thông, Thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến vào giờ cao điểm, để hướng dẫn các phương tiện lưu thông một cách trật tự và hạn chế thấp nhất xảy ra UTGT kéo dài và TNGT. Ngoài ra, chính quyền địa phương tập trung xử lý mạnh, triệt để các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại nơi thi công, sửa chữa đường.
Năm là, tích cực nghiên cứu, trao đổi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đầu tư và áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thi công, sửa chữa đường, kết cấu hạ tầng giao thông nhằm góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công dự án nâng cấp, sửa chữa trên đường bộ. 
Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông