Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT; Ông TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh VP Ủy Ban ATGT Quốc gia; Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT; Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện CSND; Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát; đại diện các đơn vị của Bộ GTVT; lãnh đạo lực lượng CSGT, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, bộ môn, trung tâm thuộc Học viện CSND.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Xuân Khang, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Trong thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự tại các trạm thu phí BOT trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Do đó, để có cơ sở thực tiễn và khoa học, đánh giá khách quan những tác động của các dự án BOT đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước, Học viện CSND đã phối hợp cùng Cục CSGT tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các Trạm thu phí phát sinh vấn đề phức tạp”.

Hội thảo đã tập trung làm rõ 04 vấn đề hiện nay đang được xã hội quan tâm: Thực trạng tình hình an ninh, trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí BOT trong thời gian qua; Hoạt động của các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội tại các trạm thu phí BOT phát sinh các vấn đề phức tạp; Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các trạm thu phí BOT, qua đó đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các Trạm thu phí BOT phát sinh các vấn đề phức tạp trong thời gian tới. 


Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại Hội thảo

Theo Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng theo hợp đồng BOT là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại một số dự án, việc bố trí các Trạm BOT còn một số bất cập mà nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, một số tuyến đường mới được xây dựng để tránh thành phố, thị xã nhưng không đặt trạm BOT trên tuyến đường đó mà lại đặt trên các tuyến quốc lộ chỉ được nâng cấp - sau nút giao với tuyến đường tránh khiến cho nhiều phương tiện không đi qua tuyến đường tránh cũng phải nộp phí. Hệ quả là gây nên sự bức xúc đối với người dân và người tham gia giao thông dẫn đến việc người tham gia giao thông, phương tiện tụ tập với số lượng lớn phản đối việc thu phí, sử dụng tiền lẻ có mệnh giá thấp khi mua vé, dàn hàng đi chậm, làm chết máy xe ô tô đã gây mất trật tự, an toàn giao thông và ùn tắc giao thông kéo dài. 


Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT đưa ra ý kiến, bên cạnh việc tăng cường tính công khai minh bạch trong việc thực hiện các dự án BOT, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến khẳng định chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp của lãnh đạo địa phương và cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, đặc biệt là là cấp ủy, chính quyền địa phương cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh, trật tự nảy sinh tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoạy, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng kết Hội thảo, Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Cục Trưởng Cục CSGT cho rằng những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong Hội thảo rất có giá trị, đồng thời khẳng định những ý kiến đóng góp tích cực sẽ được ghi nhận và sớm triển khai trong thời gian tới. Đồng chí cũng hi vọng, các đơn vị chuyên trách sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác nghiên cứu nhằm tìm ra các biện pháp hữu hiệu hơn nữa, đặc biệt là các sáng kiến có ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí phát sinh vấn đề phức tạp trong thời gian tới. Đối với lực lượng CSGT ông nêu quan điểm, công tác điều tra cơ bản là cực kỳ quan trọng, làm tốt công tác này để chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến TTATGT tại các trạm thu phí trên địa bàn, dự báo các tình huống phức tạp có thể xảy ra; Cần chủ động phương án, lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng với chủ đầu tư BOT, các đơn vị quản lý BOT để sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống phức tạp tại các trạm BOT; Đối với phương án xử lý các tình huống phức tạp xảy ra, không để kéo dài, tạo thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ tiếp tục nắm, quản lý các đối tượng chủ phương tiện.


Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Ban biên tập