Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục QLHC về TTXH đã nêu rõ mục đích, yêu cầu cũng như khẳng định ý nghĩa khoa học của buổi hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh: “Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tổ chức đào tạo tập huấn cho đội ngũ sát hạch viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, góp phần kiềm chế, giảm thiếu tai nạn và ùn tắc giao thông trong toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn bộc lộ nhiều bất cập, vì vậy, để có cơ sở xây dựng luận cứ khoa học, đưa ra các kiến nghị, đề xuất cho Chính phủ và các cơ quan chức trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông ở nước ta hiện nay, Học viện CSND và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cùng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học này.”
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục QLHC về TTXH 
và Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND 
đồng chủ trì Hội thảo
Tại buổi buổi Hội thảo, dưới sự điều hành của đồng chí Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục QLHC về TTXH và đồng chí Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND, các đại biểu, các chuyên gia và các nhà khoa học tập trung thảo luận  về thực trạng cơ sở vật chất, những hạn chế về tiêu chuẩn và chất lượng của các trung tâm đào tạo lái xe ở nước ta hiện này; thực trạng tổ chức đào tạo, nội dung, chương trình giảng dạy, hệ thống giáo trình, tài liệu; trình độ sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên dạy lý thuyết và thực hành, vấn đề thu và sử dụng lệ phí, học phí; công tác tuyển sinh, trách nhiệm của cơ quan y tế đối với tiêu chuẩn sức khỏe của học viên; thực trạng tổ chức thi sát hạch, cơ sở vật chất phục vụ thi sát hạch, các nội dung sát hạch bắt buộc, năng lực hội đồng thi sát hạch; công tác quản lý, cấp đổi giấy phép lái xe, sự cần thiết của việc chuẩn hóa mẫu Giấy phép lái xe; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các cơ sở đào tạo không thực hiện đúng quy định của Nhà nước; đồng thời tập trung làm rõ mối quan hệ giữa chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe với các vấn đề nổi cộm về an toàn giao thông hiện nay, từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhằm tìm ra giải pháp, đưa ra các kiến nghị, đề xuất để nâng cao nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
 Thảo luận về thực trạng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xecác đại biểu nhấn mạnh: Hiện nay, khả năng điều khiển phương tiện của một bộ phận lái xe còn hạn chế, việc chấp hành các quy định của Luật giao thông đường bộ chưa nghiêm túc dẫn đến gây tai nạn; các quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở đào tạo, sát hạch cũng như các quy trình kiểm tra, sát hạch chưa chặt chẽ, còn kẽ hở dễ bị lợi dụng dẫn đến việc quản lý đào tạo, tuyển sinh chưa nghiêm túc; chương trình đào tạo, chất lượng công tác ra đề, khảo thí còn nhiều hạn chế; cơ sở đào tạo không đủ tiêu chuẩn theo quy định và công tác giáo vụ còn yếu kém, tình trạng cấp giấy phép đào tạo lái xe mô tô không đúng quy định vẫn còn, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của một bộ phận giáo viên, sát hạch viên tại các cơ sở đào tạo, sát hạch còn yếu kém, điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trong đối với vấn đề an toàn giao thông. Do chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái còn hạn chế, dẫn đến tình trạng người điều khiển phương tiên tham gia giao thông không đủ năng lực và trình độ để xử lý tình huống gây ùn tắc giao thông, nhiều trường hợp gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
 
Các đại biểu tham luận
Để khắc phục tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, các đại biểu, các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường xây dựng, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát quá trình sát hạch, giảm thiểu tác động của con người vào kết quả sát hạch, ứng dụng công nghệ hiện đại để hạn chế giả mạo giấy phép lái xe; về chương trình đào tạo lái xe cần tăng cường thực hành lái xe trên đường, lái xe số tự động; bổ sung thực hành cấp cứu tai nạn giao thông; tăng cường nội dung môn học Pháp luật giao thông đường bộ và giáo dục ý thức trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; về đội ngũ giáo viên, sát hạch viên cần phải tiến hành sát hạch lại toàn bộ đội ngũ sát hạch viên cả phẩm chất và tay nghề, tổ chức tập huấn lại đội ngũ giáo viên dạy lái xe tại tất cả cơ sở đào tạo lái xe ô tô để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và tổ chức đánh giá, phân loại.
Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông