Thời gian qua, các tuyến quốc lộ ở nước ta đã được đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên tình trạng mất ATGT trên các tuyến quốc lộ vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ trong giai đoạn 2010 - 2016, trên các tuyến quốc lộ ở nước ta đã xảy ra trên 100.000 vụ TNGT (chiếm trên 30% tổng số vụ TNGT đường bộ); làm chết 41.352 người (chiếm 37,02% tổng số người chết), bị thương 88.674 người (chiếm 35,17% số người bị thương). Trong đó, nguyên nhân do sự tàn phá của mưa lũ, cộng với lưu lượng các phương tiện vận tải có trọng tải lớn ngày càng tăng nên nhiều tuyến đường có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu dưới nước, nhất là ở những vị trí cầu tràn, đoạn trũng thấp khiến giao thông nhiều khu vực bị tê liệt hoàn toàn. Không chỉ mặt đường bị hư hỏng mà trên nhiều tuyến đường còn thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, gây UTGT, các đơn vị chức năng phải tập trung khắc phục, sửa chữa tạm thời để phục vụ việc đi lại của người dân. Do đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ mùa mưa bão và khi xảy ra các sự cố do thiên tai” là rất cấp thiết.
Hội thảo đã nhận được 20 bài báo cáo khoa học, trong đó có 9 bài đã được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Nội dung các tham luận đã tập trung bổ sung, làm rõ một số vấn đề sau đây:
1. Khẳng định sự cần thiết và cấp bách trong việc nghiên cứu thực trạng, đánh giá đúng tình hình bảo đảm TTATGT trên các tuyến quốc lộ trong mùa mưa bão và khi xảy ra các sự cố thiên tai.
 Chúng ta đều biết rằng Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vấn đề biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết, thiên tai thời gian qua diễn biến hết sức bất thường, phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan. Dự báo trong những năm tới tần suất các cơn bão hình thành ở vùng biển ngoài khơi Philippin đạt cấp siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra nhiều hơn; với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới thì việc chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình của các cơ quan chức năng cần được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả.
2. Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác bảo đảm TTATGT trên tuyến quốc lộ, đặc biệt là khi xảy ra mưa bão và thiên tai; các đại biểu đã đề xuất một số những kiến nghị và giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 về “Tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020” của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống ứng phó với thiên tai cho nhân dân nắm và hiểu rõ để có thể có biện pháp phòng tránh khi có thiên tai xảy ra;
Hai là, thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo các điều kiện thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật hoạt động trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ;
Ba là, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tập trung rà soát, cải tạo và xóa bỏ các điểm thường xuyên ngập úng. Kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ;
Bốn là, tiếp tục củng cố lực lượng, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai;
Năm là, lực lượng CSGT chủ động lập, phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố tắc đường, phối hợp với các cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông và các đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông được an toàn. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và sẵn sàng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;
Sáu là, tích cực nghiên cứu, trao đổi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Các cơ quan quản lý cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thu thập, đánh giá đúng tình hình thời tiết, tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông, nghiên cứu và đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo sớm mưa lũ để cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin cho người dân và các đơn vị chức năng chủ động nắm và có phương án đối phó với thiên tai;
Bảy là, các cơ sở đào tạo lái xe cần bổ sung, tăng cường đạo tạo kỹ năng lái xe trong điều kiện thời tiết mưa bão (kỹ năng phanh, giữ khoảng cách an toàn, chống trơn trượt…); khuyến khích các cơ sở đào tạo lái xe mở các khóa đào tạo kỹ năng lái xe an toàn sau khi cấp bằng lái để người dân có điều kiện nâng cao kỹ năng lái xe.
 Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông