Trong những năm vừa qua, tình hình TNGT liên quan tới khách du lịch và người nước ngoài tăng cao. Có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Hội nghị tập huấn triển khai nhiệm vu công tác bảo đảm TTATGT cho người nước ngoài tại Việt Nam được tổ chức nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch và người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Từ đó, góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019.
Tham gia tập huấn là các báo cáo viên và các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực giao thông đến từ Vụ Lữ hành (Tổng cục du lịch), Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an).
Đối tượng tham gia tập huấn gồm: Các cán bộ của GTVT, Sở Du lịch, Sở Ngoại Vụ, Sở Thông tin truyền thông, Ban ATGT các quận, huyện trên địa bàn thành phố, Phòng CSGT công an thành phố, Hiệp hội vận tải ô tô thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội vận tải taxi, Hiệp hội doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các cơ sở kinh doanh cho thuê phương tiện, các cơ sở lưu trú. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp du lịch lữ hành của 6 tỉnh miền Trung gồm thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. ..
Ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ Trưởng Vụ ATGT - Bộ GTVT phát biểu khai mạc.
Tại Hội nghị tập huấn, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ Trưởng Vụ ATGT - Bộ GTVT chia sẻ: “Thông qua buổi tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm TTATGT cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. Việt Nam là một đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hùng vĩ, con người Việt Nam hiếu khách, thanh bình giàu lòng nhân ái vì vậy du khách nước ngoài rất thích đến dải đất hình chữ S này để du lịch. TNGT không chỉ xảy ra với người Việt Nam, mà còn xảy ra đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên do không am hiểu địa hình, không có kĩ năng lái xe các phương tiện mô tô, nhiều người dùng ngôn ngữ bản địa gây khó khăn trong quản lý. Việc TNGT người nước ngoài liên quan đến các cơ sở doanh nghiệp cho thuê xe tự lái, không giải thích cho họ hiểu các quy định pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ…”.
Đại uý, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khiêm (Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông - Học viện CSND) trình bày tổng quan thực trạng tình hình TNGT đường bộ liên quan tới nước ngoài, khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khiêm (Học viện Cảnh sát Nhân dân - Bộ Công an) cho biết: "Trong các vụ TNGT do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam thì 88,45% là do nam giới. Trong đó, chủ yếu là khách du lịch, lao động tự do đến nước ta. Tuyến đường thường xảy ra tai nạn là đường quốc lộ. Phương tiện gây tai nạn giao thông chủ yếu là xe máy. Dạng đường thường xảy ra tai nạn giao thông là đường thẳng. Điều kiện chiếu sáng nơi xảy ra tai nạn giao thông ít chiếu sáng. Hình thức va chạm khi xảy ra TNGT là xe va chạm với xe. TNGT chủ yếu xảy ra trên đường hai chiều. Nguyên nhân gây ra TNGT rất đa dạng như: vượt xe, rượi bia, tránh xe, tốc độ, chuyển hướng sai nhưng trong đó nguyên nhân lớn nhất là đi sai làn đường".
Tình hình TNGT theo phương tiện của người nước ngoài liên quan đến giao thông đường bộ Việt Nam chủ yếu là đi xe gắn máy. Người nước ngoài không nắm bắt được các quy định pháp luật về giao thông ở Việt Nam, không quen với hệ thống đường bộ, tình hình giao thông, địa hình giao thông trong nước, không có kỹ năng lái xe cũng như không quen với các loại xe, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chưa siết chặt hoạt động quản lý đối với kinh doanh xe tự lái cho người nước ngoài. Ngoài ra công tác tuyên truyền còn bị hạn chế, công tác xử phạt còn gặp nhiều khó khăn.
“Việc bất đồng ngôn ngữ là một trong những rào cản trong việc giải quyết TNGT liên quan đến người nước ngoài. Phương tiện do người nước ngoài điều khiển thường là phương tiện thuê ở Việt Nam nên khi gây tai nạn họ sẵn sàng bỏ lại phương tiện. Khi xảy ra tai nạn cũng khó triệu tập người nước ngoài đến giải quyết”, Đại úy Khiêm nói.
Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng Đội tuyên truyền - xử lý (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng) cho biết: “Thời gian qua Phòng CSGT kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm 91 trường hợp người nước ngoài vi phạm giao thông, tạm giữ 91 mô tô, xử lý 58 trường hợp, thu nộp ngân sách hơn 113 triệu đồng. Hiện nay, khách du lịch đến với Đà Nẵng ngày càng tăng về số lượng và đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Cho nên, khách du lịch không chỉ trao đổi, giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn nhiều ngôn nhữ khác như tiếng Trung, tiếng Hàn… Ngoài ra còn có trường hợp du khách biết tiếng Anh nhưng cố tình không giao tiếp hoặc sử dụng ngôn nhữ bản địa. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm tra và xử lý đối với cán bộ, chiến sĩ. Khi thuê các phương tiện tại các cơ sở kinh doanh phục vụ cho thuê, những du khách nước ngoài đa phần không được chủ cho thuê giải thích, phân tích về các quy định của pháp luật Việt Nam về giao thông đường bộ… Thiếu tá cũng nêu một số giải pháp sắp tới là: Một là, đối với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, xử lý người nước ngoài tham gia giao thông vi phạm pháp luật. Đồng thời kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở tại chỗ đối với các các trường hợp nắm rõ pháp luật Việt Nam về giao thông đường bộ. Tăng cường trao đổi kiến thức về ngoại ngữ đối với cán bộ, chiến sỹ tham gia tổ chuyên đề về xử lý người nước ngoài. Hai là đối với du khách quốc tế, người nước ngoài khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật Việt Nam về giao thông đường bộ. Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô phải có giấy phép lái xe theo đúng quy định của pháp luật và Công ước Viên năm 1968. Khi thuê xe, phương tiện để đi lại người nước ngoài chủ cho thuê xe giải thích đầy đủ những quy định pháp luật Việt Nam. Ba là đối với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê xe. Xe ô tô, mô tô cho thuê phải được thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn kỷ thuật an toàn, có đầy đủ giấy tờ xe theo quy định của pháp luật. Khi cho thuê xe phải giao đầy đủ giấy tờ xe cho người thuê, đồng thời thực hiện thủ tục cho thuê xe chặt chẽ để đảm bảo xử lý trong người nước ngoài điều khiển phương tiện gây tai nạn hoặc vi phạm quy định về an toàn giao thông…”.
Chương trình tập huấn cũng đã giới thiệu về một số quy định Pháp luật giao thông đường bộ, một số mức xử phạt tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về hành vi vi phạm của người lái, chủ phương tiện, một số quy định về giấy phép lái xe quốc tế, Công ước Vienna về giao thông đường bộ…
Ban biên tập