Đến nay hoạt động ứng dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong các lĩnh vực như kiểm soát an ninh, phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATGT… đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Đối với nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Úc… thì hoạt động ứng dụng hệ thống CCTV trong bảo đảm ATGT đã có những bước phát triển vượt bậc với những thành tựu được cả thế giới ghi nhận.
Hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong giao thông công cộng là một trong những thiết bị theo dõi hoạt động của các phương tiện giao thông trên đường phố, chúng thường được đặt dọc theo những con đường chính như xa lộ, đại lộ, những con đường huyết mạch hay những ngã rẽ... Thông thường, đường truyền của hệ thống camera giao thông sẽ được chôn ngầm dưới lòng đất hoặc đặt theo đường dây truyền tải điện. Hầu hết các mắt camera sẽ được lắp đặt trên những cột có độ cao phù hợp hay thậm chí bên cạnh cột đèn giao thông. Hệ thống theo dõi hoạt động giao thông bằng camera giám sát được phân làm 2 loại: một loại camera thu hình liên tục hoạt động của các phương tiện giao thông và loại thứ hai là ghi và lưu lại các hình ảnh chứa các thông tin quan trọng (như người điểu khiển, biển kiểm soát…) của phương tiện vi phạm hay các vụ tai nạn. Với khả năng lưu giữ hình ảnh này, tất cả những vụ vi phạm hay tai nạn đều được ghi lại, sau đó được chuyển tới trung tâm theo dõi giao thông và được xử lý trong khoảng thời gian nhanh chóng.
Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới hệ thống Camera giám sát ứng dụng trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đều được trang bị và tích hợp những phần mềm, cảm biến có thể phát hiện các lỗi vi phạm như: vượt quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn, đè vạch lấn làn, dừng đỗ sai quy định, đi ngược chiều và tìm biển số đen[2]… Ngoài ra hệ thống còn hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện, điều tra nguyên nhân các vụ TNGT, phân tích lưu lượng giao thông trên đường để sớm điều chuyển ngăn không cho các vụ tắc đường xảy ra… Hệ thống hoạt động 24h/24h không kể ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết nhờ được trang bị những công nghệ phù hợp. Từ những hiệu quả thiết thực mang lại mà hệ thống Camera giám sát ngày càng khẳng định vai trò trong việc bảo đảm TTATGT ở nhiều nước trên thế giới.
Khi nói đến hệ thống Camera giám sát (CCTV) phải nhắc đến Anh và Hoa Kỳ vì đây là những cái nôi đầu tiên của hệ thống Camera giám sát trên toàn thế giới. Tại vương quốc Anh - một trong những quốc gia có số lượng camera nhiều nhất thế giới (chiếm 1/5 tổng số thiết bị camera toàn cầu), đây cũng chính là một trong những nước đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của hệ CCTV trên toàn thế giới. Vào năm 1967, tại Anh hệ thống Camera giám sát Photoscan CCTV đã được đưa vào bán lẻ trong kinh doanh với mục đích là phương tiện để ngăn chặn và bắt giữ kẻ trộm cắp. Đến những năm 70, hệ thống Camera giám sát (CCTV) được đưa vào sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực giám sát công cộng ở thủ đô Luân Đôn (Anh).
Mặc dù cha đẻ của hệ thống này là ở Anh nhưng khi có mặt ở Hoa Kỳ thì nó cũng phát triển mạnh mẽ ở hầu hết tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động bảo đảm TTATGT. Hệ thống Camera giám sát (CCTV) được lắp đặt ở trên các tuyến đường huyết mạch, những nơi có nhiều người đi bộ và xung quanh các trường học… với mục đích chính để bảo đảm TTATGT cho dù nó cũng được sử dụng để phục vụ các hoạt động phòng, chống tội phạm. Hệ thống camera giao thông ở Hoa Kỳ được sử dụng nhằm tập trung phát hiện và xử lý hai lỗi chính là không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông và chạy quá tốc độ. Thực tế ban đầu muốn phát hiện các lỗi liên quan đến việc không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông thì camera phải kết nối với hệ thống đèn, nhưng đến nay thì hệ thống có thể hoạt động một cách độc lập, đồng thời cho kết quả chính xác và kịp thời.[3]Hoa Kỳ cũng là quốc gia sở hữu và phát triển nhiều công nghệ camera giám sát phục vụ bảo đảm ATGT nhất thế giới, tuy nhiên vấn đề mà cả thế giới chú ý đến đất nước này lại là những cơ chế xử phạt nghiêm khắc gắn với việc ứng dụng hệ thống Camera giám sát trong lĩnh vực này. Khi vi phạm luật giao thông như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ hay đỗ xe không đúng nơi quy định… mà được hệ thống camera ghi lại, Cảnh sát sẽ gửi giấy phạt kèm theo hình ảnh vi phạm trích xuất từ hệ thống tới chủ phương tiện theo cơ chế “phạt nguội”. Người điều khiển có thể bị phạt tiền, cao hơn nữa là bấm lỗ (7 lần bấm lỗ sẽ bị thu bằng lái), tịch thu bằng lái và bắt giam. Phiếu phạt vi phạm luật giao thông ở Hoa Kỳ gần như thống nhất trên cả nước. Sau khi Cảnh sát lập hồ sơ, 1 bản sẽ được chuyển cho người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm, 1 bản lưu hồ sơ. Ở Hoa Kỳ, Cảnh sát không trực tiếp nhận tiền phạt, người điều khiển bị phạt vi phạm giao thông phải có trách nhiệm nộp tiền vào kho bạc theo đúng hạn. Nếu sau 30 ngày, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, chậm hơn nữa sẽ phạt gấp ba, gấp bốn và cuối cùng là triệu tập ra tòa và phải chịu mọi án phí. Như vậy, cơ chế phạt nguội với hình ảnh trích xuất từ hệ thống CCTV còn nghiêm khắc hơn là phát hiện và xử phạt trực tiếp người vi phạm.
Tại Trung Quốc, cùng với tiến trình đô thị hoá toàn cầu, quá tải giao thông đã trở thành vấn đề nan giải trong sự phát triển của rất nhiều thành phố. Năm 2012, Bộ GTVT Trung Quốc đã công bố “Chiến lược Phát triển giao thông thông minh của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2012-2020”. Ngoài việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, tại Trung Quốc, việc sử dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong quản lý giao thông đã được triển khai từ những năm 2005. Loại thiết bị này ngày càng được cải tiến để đáp ứng yêu cầu quản lý giao thông hiệu quả, thông minh. Cuối thế kỷ trước, Trung Quốc lần đầu xuất hiện “Cảnh sát điện tử” - ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý giao thông. Ban đầu các mắt camera chỉ bắt nét rõ cảnh xung quanh, CSGT Trung Quốc hiện giờ đã dùng những hệ thống Camera có độ nét cao và kết hợp với thiết bị tiên tiến hơn giúp phân tích đoạn video để nhân viên chức năng nhận biết được biển số xe và loại xe, thậm chí còn ghi lại được các hành vi vi phạm luật giao thông ở trong xe ô tô, như vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, ngồi xe không thắt dây an toàn… Đây được coi là giải pháp phổ biến trong công tác quản lý giao thông hiện tại.[4]
Ở các nước Đông Nam Á, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT cũng phát triển với tốc độ nhanh. Tại Thái Lan, hàng loạt hệ thống Camera giám sát gắn trên các trục giao thông, điểm cao, các góc khuất… trong hệ thống điều hành tổng thể của Cảnh sát với các phần mềm hiện đại luôn được cập nhật như: hệ thống quản lý giao thông thông minh[5], hệ thống quản lý sự di chuyển của các phương tiện, quản lý ô tô, hay hệ thống quản lý các vụ tai nạn, các sự cố khẩn cấp. CSGT chỉ xuất hiện khi cần phân làn mới hoặc hướng dẫn trực tiếp người tham giao giao thông chuyển làn, giảm tải sang khu vực có mật độ xe thấp. Hệ thống camera giám sát giao thông cũng đang được hiện đại hóa tại quốc đảo Singapore. Từ năm 2015, nước này đã tiến hành nâng cấp hệ thống với các mắt camera chụp bằng phim sang hệ thống camera điện tử, với những tính năng vượt trội nó có thể hoạt động không mệt mỏi dưới mọi điều kiện thời tiết, phù hợp sự phát triển của công nghệ camera giám sát trong giai đoạn hiện nay trên toàn thế giới.
Qua những nghiên cứu cụ thể ở các khía cạnh có liên quan, tác giả bài viết trao đổi một số vấn đề về ứng dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong bảo đảm TTATGT ở các nước trên thế giới và đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Một là, song song với quá trình ứng dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong phòng, chống tội phạm thì quá trình ứng dụng hệ thống này trong hoạt động bảo đảm TTATGT cũng được tiến hành một cách đồng thời. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia như Anh và Hoa Kỳ, hệ thống Camera giám sát trong quản lý giao thông cũng được sử dụng với mục đích phục vụ cho các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm cụ thể khi các tuyến đường giao thông nằm trong khu vực hoạt động của tội phạm, hay khi sử dụng cảm biến nhận diện biển kiểm soát để phát hiện những chiếc xe trong các vụ phạm pháp… Tuy nhiên trên thực tế, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là sự đòi hỏi của thực tiễn khi yêu cầu hệ thống Camera giám sát trong lĩnh vực quản lý giao thông phải trở nên “thông minh” hơn, nhiều công nghệ camera giám sát giao thông đã dần dần thay thế con người ở nhiều mặt khi chúng có thể phát hiện và ghi nhận hầu hết các hành vi vi phạm. Mặt khác, hiện nay ở nhiều nước nhất là các nước đang phát triển hoạt động ứng dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong bảo đảm TTATGT khá phổ biến nhằm giải quyết các vấn đề về TNGT, UTGT ngày càng gia tăng. Như vậy, so với hoạt động ứng dụng hệ thống Camera giám sát trong phòng, chống tội phạm thì quá trình dụng hệ thống này trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT phát triển hơn về cả về trình độ công nghệ và sự phổ biến của nó trên phạm vi toàn thế giới.
Hai là, hiện nay công nghệ camera giám sát trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đều được trang bị và tích hợp những phần mềm, hệ thống mới nhất. Do yêu cầu về khoảng cách và phạm vi quan sát, các mắt camera được lắp đặt luôn phải có độ nét cao nhất, được trang bị các cảm biến để phát hiện hầu hết các hành vi vi phạm như: vượt quá tốc độ, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi sai làn, đè vạch lấn làn, dừng đỗ sai quy định, đi ngược chiều và đặc biệt là hệ thống nhận diện biển số để xác định chủ phương tiện và phục vụ truy tìm các phương tiện trong các vụ phạm tội. Ngoài ra hệ thống còn có khả năng phân tích mật độ giao thông trên đường ở các thời điểm khác nhau, từ đó thông báo đến các lực lượng chuyên trách tiến hành xử lý phân làn để bảo đảm UTGT không xảy ra. Bên cạnh đó, hệ thống cũng hỗ trợ Cảnh sát trong điều tra nguyên nhân các vụ TNGT và cũng góp phần tích cực trong phòng, chống tội phạm trong các tình huống có liên quan. Thực tế ở Anh, Hoa Kỳ, Pháp… lực lượng CSGT xuất hiện trên đường phố rất hạn chế vì hệ thống Camera giám sát đã thay thế họ trong việc phát hiện và ghi nhận các hành vi vi phạm của người điều khiển, và công việc của Cảnh sát chỉ là gửi giấy phạt và hình ảnh trích xuất từ camera đến chủ phương tiện vi phạm.
Ba là, quá trình ứng dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong bảo đảm TTATGT ở các nước trên thế giới và đặc biệt là ở Anh và Hoa Kỳ luôn quan tâm đến vấn đề xe chính chủ. Vì trên thực tế, tiến hành phạt các lỗi vi phạm do hệ thống camera ghi lại được thực hiện theo cơ chế “phạt nguội”, người vi phạm sẽ nộp phạt thông qua hình ảnh trích xuất từ camera phản ánh lỗi vi phạm của họ trước đó và giấy phạt gửi về cho họ. Nhưng thực tế đặt ra là camera sẽ chỉ xác định được người chủ của chiếc xe vi phạm thông qua hệ thống nhận diện biển kiểm soát, còn ai điều khiển nó thì khó có thể xác định được. Vì vậy để bảo đảm xử phạt đúng người, đúng lỗi các cơ quan quản lý phương tiện ở các nước này yêu cầu khi tiến hành các vụ mua bán, chuyển nhượng xe đều phải thực hiện sang tên đổi chủ, mặt khác thực hiện tốt vấn đề này cũng bảo đảm cho quyền lợi của chính những người dân vì chẳng ai muốn bị xử phạt những lỗi không phải do họ gây ra. Như vậy, thực hiện tốt vấn đề xe chính chủ là một trong những yếu tố quan trọng cho hoạt động ứng dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong bảo đảm TTATGT một cách có hiệu quả.
Bốn là, qua thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, một trong những vấn đề đáng quan tâm là cần phải xác định đúng mục đích của việc ứng dụng hệ thống Camera giám sát (CCTV) trong quản lý giao thông nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn hay duy trì việc chấp hành trật tự pháp luật về ATGT… Việc có mặt của camera trên đường phải hướng tới việc thay đổi nhận thức của người điều khiển phương tiện rằng: luôn tuân thủ các quy định khi lái xe vì điều đó bảo đảm an toàn cho chính họ và những người xung quanh, nếu vi phạm sẽ bị camera ghi lại và chịu phạt. Nhiều ý kiến cho rằng khi lắp đặt hệ thống phải có biển cảnh báo về sự có mặt của camera ở các tuyến đường, phải công khai các hoạt động lắp đặt, sử dụng hệ thống, và nguồn tiền phạt thu được cũng cần được bảo đảm về mục đích sử dụng. Thực tế ở Hoa Kỳ, nhiều thành phố đã phải gỡ bỏ hệ thống Camera giám sát trên các tuyến đường vì người dân cho rằng mục đích của hệ thống là tăng nguồn ngân sách cho chính quyền thay vì bảo đảm an toàn như lúc mới lắp đặt. Xung quanh vấn đề cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhưng xét một cách tổng thể thì hiệu quả từ hệ thống trong việc bảo đảm TTATGT là một điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên để việc ứng dụng hệ thống có hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng cao từ người dân thì phải tính toán cụ thể, thực hiện một cách đồng bộ bảo đảm hài hòa giữa các yếu tố về khả năng duy trì TTATGT của hệ thống, nguồn tiền xử phạt thu được từ hệ thống[6] và nhận thức của người dân về các khía cạnh của việc ứng dụng hệ thống Camera giám sát trong bảo đảm TTATGT.
Trung tá, TS Lê Trung Kiên
Phó trưởng Khoa Sau đại học – Học viện CSND
[1]Joe Cieszynski, Closed-circuit television “Hệ thống Camera giám sát”, Nhà xuất bản Đại học Oxford University, năm 2007.
[2] Là những chiếc biển kiểm soát của những chiếc xe liên quan đến các vụ phạm pháp nằm trong diện tìm kiếm của Cảnh sát.
[3] Dailey & Cathey, CCTV Technical Report - Phase 3 “Báo cáo kỹ thuật hệ thống Camera giám sát – Giai đoạn 3”, Trung tâm Giao thông Bang Washington - Đại học Washington, Bộ giao thông vận tải Bang Washington và Cục đường cao tốc Liên bang Hoa Kỳ, Tháng 1 năm 2006.
[4]Zhang Jian-xin &Tang Xian-hai, A freeway video monitor system “Hệ thống giám sát video trên xa lộ”, Tạp chí Đại học Công nghệ Thông tin Thành Đô, Tháng 01 năm 2004.
[5] Là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.
[6] Số tiền thu được từ việc xử phạt phải có ý nghĩa răn đe người vi phạm và sử dụng đúng vào các việc phát triển hệ thống Camera giám sát hoặc có thể sử dụng cho các dịch vụ cộng đồng.