Lãnh đạo. đại biểu, giảng viên tập huấn và Đại diện 63 trưởng đoàn Sở GD-ĐT tham gia tập huấn
Theo báo cáo của Cục Trẻ em, giai đoạn 2015 - 2017, mỗi năm xảy ra khoảng 2.000 vụ đuối nước ở trẻ em, mỗi ngày có 5,5 trẻ em thiệt mạng vì đuối nước; Tử vong do đuối nước của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, có 15 địa phương có tỷ lệ đuối nước cao nhất cả nước như: Thái Bình, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội…; theo nghiên cứu trường Đại học Y tế công cộng, tại Việt Nam độ tuổi từ 0-4 có tỷ lệ đuối nước cao nhất (12,9/100.000 trẻ/năm).

Ông Nguyễn Thanh Đề, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục - thể chất phát biểu trong chương trình tập huấn
Ông Nguyễn Thanh Đề, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho biết: “Thực tế hiện nay, phần nhiều các vụ đuối nước gây tử vong lại xảy ra đối với các trẻ em, học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Điều đó cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc học bơi, biết bơi, thì hoàn toàn chưa đảm bảo an toàn, tránh được tử vong do đuối nước, khi mà trong đời sống hàng ngày, ngoài thời gian ở trường, các em còn tham gia nhiều hoạt động lao động, sinh hoạt trong môi trường sống thiếu an toàn như hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra tai nạn đối với các em ở mọi lúc, mọi nơi”.
Trong điều kiện phần nhiều các trường chưa được trang bị bể bơi, việc dạy bơi gặp rất nhiều khó khăn thì việc tăng cường giáo dục nhận thức cho học sinh về tác hại, hậu quả, nguyên nhân, nguy cơ đuối nước xảy ra đối với các em là rất quan trọng. Học sinh từ đó được trang bị những kỹ năng an toàn, biết tự phòng tránh để những học sinh biết bơi và chưa biết bơi đều biết cách chủ động, tự bảo vệ được tính mạng bản thân trước khi có sự hỗ trợ của người khác.
Nội dung tập huấn bao gồm: hướng dẫn trẻ em, học sinh kỹ năng phòng tránh đuối nước trong đời sống; hướng dẫn trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước và khi gặp người bị nạn; giới thiệu và thực hành 9 nội dung phòng tránh tai nạn thương tích trong trường học (đuối nước, thương tích do vật nhọn, động vật cắn,...).
Tham gia chương trình tập huấn, các giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân đã trình bày bốn chuyên đề nhằm chia sẻ các kiến thức, kỹ năng, phương pháp tổ chức tập huấn, giảng dạy: Tình hình, nguyên nhân và biện pháp bảo đảm an toàn trong môi trường nước, và phòng tránh đuối nước ở trẻ em; nhận biết các nguy cơ mất an toàn ở các môi trường nước mở đối với trẻ em cho trẻ em và cách phòng, tránh đuối nước; bảo đảm an toàn và phòng, tránh đuối nước khi tham gia giao thông bằng đường thủy; bảo đảm an toàn và phòng, tránh đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa bão.
Chương trình là nền tảng để giáo viên tiếp tục triển khai nhân rộng, đồng bộ tại các cơ sở giáo dục trên cả nước, góp phần tích cực chủ động tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh.
Một số hình ảnh tại Chương trình tập huấn:
Thượng tá, PGS.TS Lê Huy Trí,Trung tâm nghiên cứu ATGT,
Học viện CSND tập huấn kiến chuyên đề tình hình, nguyên nhân đuối nước ở trẻ em; biện pháp bảo đảm an toàn và phòng, chống đuối nước ở trẻ em
 
Thượng úy, ThS Ngô Anh Dũng, Trung tâm nghiên cứu ATGT, 
Học viện CSND tập huấn kiến thức cơ bản về môi trường nước, nguyên tắc bảo đảm an toàn trong môi trường nước