Ngày 4/10, tại TP. HCM, Ủy ban ATGT Quốc gia, Hội ATGT Việt Nam, Hiệp hội các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc gia “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.

Toàn cảnh Hội thảo quốc gia “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”

Hội thảo còn có sự góp mặt của lãnh đạo các bộ, ngành liên quanh, lãnh đạo Ban ATGT các tỉnh phía Bắc, các đơn vị nghiên cứu, đại diện WHO, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu tại Việt Nam,… Đây là kết quả của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trưởng ban KHCN Hội An toàn giao thông Việt Nam - Giám đốc Trung tâm GTVT trường Đại học Việt Đức đứng đầu tiến hành với sự hỗ trợ của APIWSA và VARD.

Bà Lê Minh Châu - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội ATGT Việt Nam cho biết,  Hội thảo nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn tới mức độ an toàn của người điều khiển xe máy trong điều kiện Việt Nam, góp phần hỗ trợ cho quá trình xây dựng các chính sách nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam.

Những con số đáng báo động

Theo báo cáo công bố tại Hội thảo, thời gian gần đây mức tiêu thụ rượu bia toàn cầu tăng không đáng kể nhưng ở Việt Nam lại tăng cao (tốp 5 các nước tiêu thụ rượu bia lớn nhất ở châu Á). Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam hướng đến 3 mục tiêu: Xác định mối tương quan giữa thói quen uống bia rượu và tai nạn giao thông (TNGT); xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu và xác suất xảy ra TNGT đối với người điều khiển mô tô, xe máy; đề xuất các giải pháp mới để cắt giảm TNGT do uống rượu bia và lái xe gây ra.

Ts. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm làm Trưởng nhóm đề tài nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức.

Tại Hội thảo, Ts. Vũ Anh Tuấn, Trưởng ban KHCN Hội ATGTVN đã chia sẻ một số kết quả chính của nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu là người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy ở 3 địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương) từ tháng 5 tới tháng 12-2018. Qua việc quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy, hành vi uống rượu bia và lái xe rất phổ biến bất chấp các quy định pháp luật hiện hành. Tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỷ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi uống rượu ra về trong tình trạng bị say. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao, cụ thể 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều…

Đáng chú ý, kết quả thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng lái xe ở Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Nam và lái xe trên Quốc lộ cho thấy, khi nồng độ cồn trong máu ở mức 20mg/100ml thì nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp 3 lần so với trường hợp không có nồng độ cồn trong máu. Còn khi nồng độ cồn trong máu ở mức 50mg/100 ml (mức quy định hiện hành) thì nguy cơ xảy ra TNGT cao gấp 7 lần so với trường hợp không có nồng độ cồn trong máu.

Khảo sát, phân tích tâm lý hành vi các đối tượng bị TNGT do URB-LX cho thấy, có một số nhận thức sai lầm của các nạn nhân là: “Tôi nghĩ rằng lái xe máy sau khi uống rượu bia vẫn an toàn như mọi khi” và “Đi quãng đường ngắn nên tôi nghĩ là an toàn”. Những nạn nhân nghĩ mình vẫn “bình thường” đủ khả năng điều khiển xe máy ra về thì lại có tỷ lệ bị chấn thương nặng cao hơn những nạn nhân cảm thấy “không bình thường” hay “bị say”. Gần 2/3 số nạn nhân vẫn tiếp tục từ điều kiển phương tiện ra về sau khi uống rượu bia say mặc dù họ có sự thay đổi nhận thức về các tác hại của hành vi này sau khi bị tai nạn. Do đó, cần áp dụng các giải pháp mạnh tay hơn nữa trong thực tế.

Cần giải pháp, chính sách có tính đổi mới

Từ nghiên cứu này, các giải pháp về luật pháp được đưa ra như: Áp dụng cấm hoàn toàn đối với người điều khiển xe máy (sửa Nghị định 46 và Luật GTĐB); tăng cường công tác Kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật Xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích)...

Các giải pháp tuyên truyền, giáo dục như: Tuyên truyền qua các nạn nhân từng bị TNGT do URB-LX; Dán poster cảnh báo tại các cơ sở phục vụ rượu bia (nhà hàng, quán nhậu); Tăng cường cảnh báo từ người thân trong gia đình; Chương trình giáo dục cho người tái vi phạm; Sử dụng kết quả của nghiên cứ này để truyền thông thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi; Giáo dục về tác hại của hành vi URB-LX và các biện pháp phòng tránh ở nhà trường các cấp.

Các giải pháp về công nghệ & dịch vụ như: Tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; Khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; Ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh; Ứng dụng khóa liên động trên phương tiện mô tô, xe máy.
Cũng tại Hội thảo, Thượng tá – PGS.TS Lê Huy Trí – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ATGT (Học viện Cảnh sát Nhân dân) đã trình bày Báo cáo Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát ảnh hưởng việc lạm dụng rượu, bia đến hành vi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thượng tá, PGS.TS Lê Huy Trí - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu ATGT,
Học viện CSND phát biểu

Theo Thượng tá Trí, trong việc cương chế vi phạm cần phải được thực hiện nghiêm. “Mọi lái xe bị dừng phải được kiểm tra – Không có ngoại lệ” giúp tạo ra độ tin cậy và độ tin cậy của chiến dịch được duy trì. Không một ai có thể trốn tránh sự kiểm tra. Ví dụ, các lái xe taxi, xe buýt, Thị trưởng, ngôi sao hoặc nhân vật đáng chú ý khác, trưởng phòng và cán bộ cảnh sát,… mọi người đều bị kiểm tra. Chính sách rõ ràng và minh bạch.

Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, báo cáo của Thượng tá Lê Huy Trí chỉ rõ, Bộ trưởng Aida Hadzialic – Chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội đối mặt với án tù lên tới 6 tháng vào năm 2016 vì đã vi phạm nồng đồ cồn khi lái xe.Ngôi sao bóng đá Ronaldo và Roney cũng từng đối diện với án phạt nghiêm khắc của pháp luật khi vi phạm nồng độ cồn.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, việc công khai, tuyên truyền rộng rãi cũng là 1 biện pháp cần được thực hiện có hiệu quả mang tính thực chất. Cần có “tuyên truyền liên tục” để làm nổi bật hoạt động cưỡng chế (nâng cao tác động cưỡng chế rất lớn); đưa tin trên báo chí để hỗ trợ hoạt động cưỡng chế; Chiến dịch phải lan tỏa đến tất cả các “loại hình giáo dục” và các nhóm tuổi trong cộng đồng có nguy cơ; tính chuyên nghiệp của hoạt động Cảnh sát phải tạo nên tâm lý “Tôi không bao giờ quên được việc mình đã bị kiểm tra nồng độ cồn”, “biết lo sợ về hoạt động tuần tra kiểm soát của cảnh sát”,…

Tại hội thảo đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp, chính sách có tính đổi mới như áp dụng giảm chỉ số nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy (sửa Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ); tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích); tăng cường cảnh báo từ người thân trong gia đình; chương trình giáo dục cho người tái vi phạm… để thay đổi nhận thức và hành vi.

Theo Giaothong24h