Tình trạng bán hàng rong tại cổng trường Tiểu học Trung An
Kết quả khảo sát thực trạng bán hàng rong tại khu vực cổng trường (một trong những nội dung của Dự án ATGT cho trẻ em tại TP. Mỹ Tho) cho thấy:     
- Tất cả những người được hỏi chia sẻ họ biết lực lượng Công an giải quyết vấn đề bán hàng rong tại khu vực cổng trường. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục bán hàng tại cổng trường, trong số đó có những người từng bị nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính.
- 65% nhận thức việc bán hàng ảnh hưởng đến TTATGT cổng trường; 35% cho rằng không ảnh hưởng. Lý do đưa ra: Đây là phương thức kiếm sống và do có nhu cầu mua hàng của phụ huynh và học sinh.
- Lực lượng Công an xử lý tình trạng bán hàng rong, tuy nhiên còn hạn chế: Việc xử phạt vi phạm hành chính ít (22,22%), chủ yếu là nhắc nhở (44,44%), số chưa bao giờ bị nhắc nhở hay xử lý tỉ lệ cao (chiếm 33,34%).
- 55,56% thỉnh thoảng được phổ biến quy định cấm bán hàng rong tại khu vực cổng trường học, 44,44% chưa bao giờ được phổ biến quy định nói trên.
Một số nguyên nhân của việc bán hàng rong khu vực cổng trường được chỉ ra là:
1. Giá trị hàng hóa không cao khi bị thu giữ sẵn sàng bỏ hàng vì mức xử phạt hành chính cao hơn giá trị hàng hóa. Những người bán hàng bằng xe đẩy, khi thấy Công an lập tức đi ra khỏi khu vực, khi Công an đi rồi thì quay lại bán tiếp, hoặc đi sang khu vực khác để bán.
2. Lực lượng Công an phường, Công an xã lực lượng rất mỏng, kiêm nhiệm nhiều công tác…, không có xe ô tô nên không có phương tiện chở xe đẩy, hàng hóa của người vi phạm nên rất khó khăn trong xử lý, hoặc nếu xử lý không khéo có thể ảnh hưởng xô xát với người vi phạm, gây phản cảm.
3. Người bán hàng rong luôn canh chừng lực lượng Công an trong khi lực lượng Công an bị động, chỉ khi ra cổng trường mới phát hiện, nhưng đến nơi người bán hàng đã rời đi, thêm vào đó không có hình hảnh vi phạm trước đó làm căn cứ nên không thể xử lý người vi phạm
4. Nhiều trường chưa có căng tin, dịch vụ bán đồ ăn sáng và đồ dùng khác cho học sinh. Vì vậy nhiều phụ huynh, học sinh chấp nhận mua hàng của người bán hàng rong.
5. Phụ huynh học sinh chưa thấy được trách nhiệm của mình trong việc giải quyết tình trạng bán hàng rong khu vực cổng trường, dẫn đến có những quan điểm đồng tình, ủng hộ việc bán hàng rong; chưa ý thức được các vấn đề tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực  phẩm, độc hại do các đồ chơi, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán hàng rong bán.
6. Tần suất, hiệu quả xử lý của lực lượng Công an chưa cao và chưa đủ sức răn đe đối với người bán hàng rong.