Tại Đồng Tháp, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị có liên quan, nhất là lực lượng CSGT thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện giao thông đường bộ theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Qua một năm triển khai thực hiện, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau:
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông
Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tuyên truyền cá biệt theo chuyên đề về vận tải hàng hóa cho 1.158 trường hợp vi phạm có liên quan đến quá tải trọng; phối hợp PX15 xây dựng 02 phóng sự, 08 tin, bài phản ánh công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá kích thước, quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông trên đường bộ. Ngoài ra, lực lượng CSGT đường bộ toàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan và chính quyền địa phương tổ chức 645 cuộc tuyên truyền pháp luật về ATGT, lồng ghép nội dung quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa và hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông của lực lượng CSGT cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, cơ sở tôn giáo, cụm tuyến dân cư... tổng cộng có 105.803 lượt người dự nghe. Tổ chức 32 lượt tuyên truyền lưu động trên các tuyến giao thông trọng điểm; phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng, đưa 167 lượt tin, bài, phóng sự, câu chuyện trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng 05 đề cương tuyên truyền, cấp phát 200 tờ rơi, treo 170 băng rôn, khẩu hiệu, phát hành 26.000 sách tuyên truyền cho Công an cơ sở phục vụ công tác tuyên truyền.
Qua công tác tuyên truyền, đã giúp cho lái xe, chủ phương tiện, chủ hàng, chủ doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật về vận tải hàng hóa, hoạt động kiểm soát tải trọng của lực lượng chức năng từ đó ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên, từng bước đưa pháp luật vào đời sống xã hội.
Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm liên quan đến quá tải trọng
Các đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường TTKS trên các tuyến, địa bàn theo phân cấp; phát huy tính năng, hiệu quả các thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TTATGT đường bộ nói chung, hành vi vi phạm liên quan đến quá tải trọng nói riêng. Kết quả, lực lượng CSGT trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức TTKS được tổng cộng 19.044 ca, với 78.614 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia, phát hiện và lập biên bản xử lý 7.059 trường hợp vi phạm (trong đó vi phạm quá tải 219 trường hợp, vượt quá kích thước 21 trường hợp), phạt tiền 1.036.350.000 đồng, tước 146 giấy phép lái xe, tạm giữ 22 phương tiện, buộc hạ tải 283,31 tấn. Số xe trong tỉnh vi phạm là 127 xe, số xe ngoài tỉnh vi phạm là 92 xe. Vi phạm trên quốc lộ 44 xe, tỉnh lộ 77 xe, huyện lộ 48 xe, đường đô thị 33 xe, đường nông thôn 17 xe.
Trong năm qua, lực lượng CSGT phối hợp với đơn vị nghiệp vụ có liên quan đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nắm tình hình dư luận trong nhân dân nên chưa phát hiện trường hợp nào tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng cũng như tình trạng bảo kê, môi giới, dẫn dắt tiếp tay cho hoạt động xe quá tải. Từng cán bộ chiến sỹ trong khi thực thi nhiệm vụ luôn chấp hành đúng quy định của pháp luật, quy trình công tác, điều lệnh CAND, luôn đảm bảo số lượng CSGT trong ca công tác theo quy định của Bộ Công an nên không có trường hợp nào chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng liên quan đến xử lý hành vi quá tải.
Công tác phối hợp trao đổi thông tin với ngành Giao thông vận tải trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về kinh doanh vận tải, vi phạm về tải trọng xe
Llực lượng CSGT và Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin với ngành GTVT trong xử lý vi phạm về tải trọng xe. Đã thông báo cho cơ quan cấp giấy phép lái xe 146 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe do vi phạm chở hàng quá tải trọng. Từ đó, giúp cho công tác quản lý giấy phép lái xe của ngành GTVT được chặt chẽ hơn, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bị tạm giữ, tước quyền sử dụng nhưng khai báo mất GPLX để được cấp lại.
Công tác điều tra cơ bản, khảo sát, kiến nghị khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông
Lực lượng CSGT thường xuyên phối hợp với cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức điều tra cơ bản, khảo sát kỹ các tuyến đường, nhất là các tuyến có lưu lượng phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông cao. Kết quả đã khảo sát được 43 lượt, kiến nghị cơ quan chức năng thay đổi, lắp đặt mới 263 biển báo nội dung có liên quan đến tải trọng và xử lý vi phạm về tải trọng trên các tuyến đường, cầu. Khảo sát những vị trí dừng xe để kiểm tra và hạ tải đảm bảo an toàn cho lái xe và người tham gia giao thông. Rà soát, thống kê, nắm danh sách xe ô tô vận tải hàng hóa thường xuyên hoạt động trên địa bàn, nhất là những xe thường hay vi phạm để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm và phục vụ công tác quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ.   
Qua hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, ý thức chấp hành của lái xe và chủ xe đã có chuyển biến tích cực, tình hình xe vi phạm về tải trọng cơ bản đã giảm hẳn, góp phần giữ vững TTATGT trên địa bàn tỉnh. Đạt được những kết quả như trên là do có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ Công an, Cục C67, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh trong hoạt động kiểm soát tải trọng. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị có liên quan, nhất là lực lượng CSGT thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến hoạt động vận tải cho lái xe, chủ phương tiện, chủ hàng, chủ doanh nghiệp và cho nhân dân; tăng cường TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng; phối hợp chặt chẽ với ngành GTVT trong trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động vận tải và xử lý vi phạm liên quan đến quá tải trọng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm soát tải trọng xe như:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho chủ xe, chủ hàng, lái xe vận tải chưa mang lại hiệu quả cao, vẫn còn một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chưa chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải đường bộ; vẫn còn tình trạng bố trí người “canh” lực lượng CSGT để trốn tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Nguyên nhân do đa số chủ xe, chủ hàng, lái xe chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà chưa ý thức được tác hại của việc vi phạm quá tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT.
Thứ hai, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các Đội CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ chưa được bố trí Trạm Kiểm soát tải trọng cố định theo Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng CSGT đường bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/2005/QĐ-TTg ngày 15/12/2005; lực lượng CSGT toàn tỉnh chỉ được trang cấp 24 cân phục vụ cho công tác xử lý vi phạm đối với các hành vi chở hàng quá tải trọng, nhưng hiện chỉ còn sử dụng được 19 cân nên chưa phát huy hết hiệu quả của công tác xử lý vi phạm về tải trọng.
Thứ ba, đối với những trường hợp vi phạm quá tải, việc buộc lái xe phải hạ tải ngay tại chỗ trong nhiều trường hợp không thực hiện được. Do đa số các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh mặt đường hẹp chỉ đủ 2 làn xe chạy nên không thể hạ tải trên đường; yêu cầu lái xe đi đến các bến, bãi khác để hạ tải thì trên đường đi nếu xảy ra TNGT hoặc hư hỏng cầu, đường thì lực lượng CSGT phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Một số tuyến đường liên xã, đường nông thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa nhưng các ngành chức năng hoặc đơn vị chủ quản không lắp đặt biển báo hạn chế tải trọng phương tiện và không lắp đặt biển báo cấm xe ô tô đi vào, dẫn đến các tuyến đường bị hư hỏng xuống cấp và lực lượng CSGT không có cơ sở để xử lý. Trên cùng một tuyến đường nhưng tải trọng tối đa cho phép qua các cầu khác nhau nên gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Để công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ đạt được hiệu quả trong thời gian tới, lực lượng CSGT Công an Đồng Tháp cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt cho cán bộ chiến sỹ, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ TTKS và xử lý vi phạm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Thông báo số 13/TB-BCA-V11 ngày 08/9/2016 của Bộ Công an về kết luận Hội nghị tổng kết Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA của liên Bộ Công an - Bộ GTVT về kiểm soát tải trọng xe; Điện số 88/ĐK ngày 14/02/2017 của Bộ Công an về việc thực hiện nghiêm Thông báo số 13/TB-BCA-V11 của Bộ Công an và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Cục C67 có liên quan đến việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng.
Hai là, thường xuyên điều tra cơ bản, khảo sát nắm tình hình hoạt động vận tải hàng hóa trên các tuyến đường bộ trọng điểm, trong đó chú ý nắm về hoạt động vận tải hàng hóa của các loại phương tiện cơ giới đường bộ; chủng loại hàng hóa thường được vận chuyển quá tải; nơi tập kết hàng hóa bóc dỡ lên xe; phương thức, thủ đoạn đối phó, né tránh sự kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe của lực lượng chức năng; hệ thống báo hiệu đường bộ, nhất là các biển báo về tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông chấp hành; khảo sát, xác định những nơi dừng xe để kiểm tra, kiểm soát và hạ tải đối với hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền cho lái xe, chủ xe, chủ hàng, chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hàng hóa bằng phương tiện giao thông đường bộ; các văn bản chỉ đạo Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Công an trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi chở hàng quá tải; phản ánh tình hình vi phạm về quá tải trọng trên các tuyến giao thông trọng điểm; công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm quá tải trọng của lực lượng CSGT; việc xử lý các đối tượng không chấp hành, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe; gương người tốt việc tốt trong lực lượng CSGT... bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng kết hợp chiếu phim khoa giáo; cấp phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; xây dựng các phóng sự, chuyên mục, câu chuyện, bài viết đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh… để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Bốn là, huy động lực lượng, phương tiện tăng cường TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận tải đường bộ, tập trung những hành vi vi phạm về tải trọng.  Khi kiểm soát xe vi phạm tải trọng, chú ý kiểm tra đối chiếu hóa đơn, chứng từ vận chuyển hàng hóa với thực tế khối lượng hàng chuyên chở. Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành hoặc cản trở, chống đối người thi hành công vụ trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an tại Thông báo số 13/TB-BCA-V11 ngày 08/9/2016 của Bộ Công an và Điện số 88/ĐK:HT ngày 14/02/2017, theo đó lực lượng CSGT tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quá tải trên các tuyến giao thông đường bộ, lực lượng Thanh tra giao thông tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về quá tải tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, nơi tập kết hàng hóa; từng lực lượng phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định và chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe. Chỉ dừng những phương tiện có dấu hiệu chở hàng quá tải, không dừng tràn lan; sau khi lập biên bản phương tiện vi phạm phải yêu cầu lái xe hoặc chủ xe hạ tải tại các vị trí an toàn theo đúng tải trọng được phép lưu thông mới được phép tiếp tục lưu hành; đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc có hành vi cản trở, chống đối lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phải sử dụng phương tiện kỹ thuật ghi lại hình ảnh làm cơ sở xử lý sau này.
Năm là, làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế và Công an địa phương xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ có liên quan đến việc kiểm tra tải trọng; đối tượng có hành vi “bảo kê”, môi giới, dẫn dắt, tiếp tay cho hoạt động xe quá tải, quá khổ….; phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe.
Sáu là, tiếp tục quán triệt cho cán bộ chiến sỹ thực hiện nghiêm các phong trào, cuộc vận động do Đảng và ngành phát động, trọng tâm là Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Bộ Công an và Thông tư số 27/2017/TT-BCA, ngày 22/8/2017 quy định Quy tắc ứng xử trong Công an nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ, tuyên truyền những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong lực lượng CAND, nhất là những tấm gương dũng cảm, liêm khiết không nhận hối lộ. Quản lý chặt chẽ, thường xuyên và đột xuất kiểm tra cán bộc chiến sỹ bên dưới, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi tiêu cực liên quan đến việc kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng; đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm liên đới đối với chỉ huy Đội nếu để cán bộ chiến sỹ bên dưới sai phạm bị xử lý kỷ luật.
Bảy là, căn cứ danh mục quy hoạch xây dựng Trạm CSGT trên quốc lộ được Bộ Công an phê duyệt, Phòng CSGT đường bộ phối hợp với Phòng PH41, PV11 tham mưu cho Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh bố trí đất để để xây dựng Trạm và lắp đặt cân tải trọng cố định, phục vụ việc kiểm soát tải trọng của lực lượng CSGT. Rà soát số lượng, chủng loại, tình trạng hoạt động của cân tải trọng đã được trang cấp cho lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh, đề nghị Bộ Công an, UBND, Ban ATGT tỉnh trang cấp bổ sung cho đầy đủ theo tiêu chuẩn, định mức được quy định tại Thông tư số 56/2016/TT-BCA ngày 29/12/2016 của Bộ Công an, nhất là cân tải trọng loại lớn để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định cân tải trọng đúng thời hạn để đảm bảo quy định của pháp luật và yêu cầu công tác.
Tám là, kiến nghị Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT kiểm tra, gia cố, nâng tải trọng cho phép đối với những cầu có tải trọng cho phép qua cầu thấp trên các tuyến quốc lộ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc ngành GTVT tiếp tục tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quá tải trọng tại các điểm tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi... Tổ chức, đôn đốc việc ký cam kết, thực hiện cam kết không vi phạm quá tải trọng đối với chủ phương tiện, chủ hàng, kho, cảng theo chức năng.
Tóm lại, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ nói chung, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói riêng, góp phần giảm nguy cơ gây ra TNGT. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ lãnh đạo ngành Công an và ngành GTVT. Trong đó, lực lượng CSGT tiếp tục thực hiện quyết liệt những nội dung, biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trung tâm Nghiên cứu ATGT - Học viện CSND