10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích của Hà Nội đã tăng lên hơn 3 lần, dân số gần 7 triệu người và gần 6 triệu phương tiện các loại đăng ký lưu hành trên địa bàn. Cùng với đó còn có một lượng không nhỏ người dân và hàng triệu phương tiện vãng lai khác hàng ngày lưu hành trên đường phố, tạo áp lực giao thông vô cùng lớn.

Điều đáng nói là đa số chuyến đi đều hướng đến hoặc xuyên qua khu vực lõi đô thị, nơi mà diện tích đất dành cho giao thông vốn đã rất eo hẹp. Đường sá chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ cùng với thực trạng diện tích đất dành cho giao thông tĩnh không đảm bảo khiến khu vực nội thành Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng “thiếu” HTGT, từ đó UTGT trở thành vấn đề nan giải.

Các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Thứ hai, xây dựng các khu dân cư tập trung đông đúc mà hoàn toàn không có đánh giá tác động giao thông. Thứ ba, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phát triển quá chậm, hiệu quả thấp. TS. Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội mở rộng địa giới năm 2008 nhưng tháng 4/2011 mới có Đồ án Quy hoạch xây dựng chính, tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập, bất đồng như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội phải sinh ra nhiều hệ lụy.

Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200 nghìn người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 01%/năm. Cùng với đó, việc thực hiện quy hoạch lại quá chậm, không đi đôi với hạ tầng, chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của dân số Thủ đô nên nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, tạo áp lực lớn cho giao thông nội đô.

Trong khi đó, chất lượng đô thị ở Hà Nội còn thấp. Hệ thống kết cấu HTGT đô thị những năm qua đã được cải thiện và nâng cấp, song hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ. Trình độ và năng lực quản lý, phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, trong 10 năm qua các khu đô thị mọc lên như nấm trong khu vực trung tâm thành phố mà không hề tính đến tác động cũng như khả năng đáp ứng của HTGT. Thực tế này đang làm cho Hà Nội đi ngược xu hướng phát triển của đô thị hiện đại, phương tiện cá nhân tăng nhanh từng ngày, người dân dần rời bỏ VTHKCC.

Nguyên nhân chính khiến VTHKCC khó phát triển là vì phải chạy theo hạ tầng. “Khi làm đường không ai tính đến phần dành riêng hay khả năng tiếp cận của xe buýt. Với loại hình vận tải khối lượng lớn, phương tiện lớn mà thiếu hẳn không gian hoạt động riêng, chen chúc thì đương nhiên khó phát huy hiệu quả”, ông Hùng nói.Vòng luẩn quẩn không lối thoát

Đại diện Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) nêu quan điểm, hiện nay HTGT Hà Nội đang thiếu đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân là một vấn đề khiến các nhà hoạch định, các nhà quản lý đau đầu, gây áp lực đối với HTGT, UTGT ở Thủ đô. Có thể nêu một số ví dụ điển hình như: Cơ sở HTGT chưa đáp ứng được sự gia tăng của các loại phương tiện; mạng lưới giao thông chủ yếu là các nút giao cắt đồng mức, mặt cắt các tuyến phố nhỏ, hẹp dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện, trong giờ cao điểm lưu lượng giao thông quá tải cao gấp 6 lần so với công suất thiết kế.

Ngoài ra, việc mất cân đối trong quy hoạch HTGT, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị. Hệ thống bến bãi, điểm trông giữ phương tiện, điểm dừng, đón, trả khách cho các phương tiện công cộng như xe taxi, xe phục vụ tham quan du lịch còn hạn chế; công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến, nút, tại một số thời điểm còn chưa khoa học, chưa phù hợp để đáp ứng việc đi lại thuận tiện cho nhân dân.

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước còn kém, gây ngập úng, cản trở giao thông mỗi khi mưa to kéo dài. Trên địa bàn còn nhiều điểm trông xe dưới lòng đường làm thu hẹp diện tích dành cho giao thông; hệ thống trường học, bệnh viện, chợ... còn nhiều điểm bất hợp lý, ảnh hưởng đến giao thông. Toàn thành phố có trên 2.500 trường học từ bậc mầm non đến đại học, trong đó có 80 trường học trên các trục chính; 43 bệnh viện lớn, 59 chợ lấn chiếm lòng đường ảnh hưởng đến giao thông.

Chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh đánh giá: “Hà Nội còn đang phải đối diện với một vấn đề khác, đó là sự tồn tại của các bến xe lớn trong khu vực nay đã trở thành trung tâm của thành phố”. Ông Thanh cho rằng, các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm hiện đều đang nằm bên trong Vành đai 3 - nơi có mật độ dân cư cao, áp lực giao thông vô cùng lớn. “Cấp thiết phải di dời các bến xe này ra các khu vực ngoại vi để giảm tải cho toàn bộ khu vực dọc theo Vành đai 3”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh tốc độ đô thị hóa nhanh, một nguyên nhân quan trọng khác khiến giao thông Thủ đô nhiễu loạn thời gian qua là tiến độ “rùa bò” của nhiều dự án trọng điểm. Dự án đường Vành đai 2 đoạn qua Trường Chinh phải đề xuất lùi tiến độ; tình trạng dự án cấp bách nhưng tiến độ vẫn “đủng đỉnh” cũng xảy ra tại nhiều dự án khác, như: Dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng; dự án đường Vành đai 2,5... Những dự án “rùa bò” này đã không chỉ chậm mà còn “góp phần” làm “nóng” thêm giao thông Hà Nội.

Suy cho cùng, sự bất cập trong quy hoạch sử dụng đất và thực hiện quy hoạch không nghiêm, phát triển đô thị với mật độ dân số tập trung rất cao nhưng không tính đến năng lực đáp ứng của hạ tầng, hệ thống vận tải công cộng chưa được đầu tư tương ứng, thiếu các phương tiện vận tải bền vững như xe đạp…, từ đó gây áp lực lên HTGT, UTGT. Đây là “căn bệnh” kinh niên, khó chữa ở Hà Nội, đòi hỏi phải được giải quyết với những giải pháp căn cơ, đồng bộ, triệt để, hợp lý trong thời gian tới.

Nguồn: Hà Thanh - Tapchigiaothong.vn