Tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc sẽ dùng công nghệ gì? - ảnh 1
Đoàn tàu điện tuyến Bến Thành - Suối Tiên chạy bằng nguồn điện một chiều 1.500VDC

UBND TP. Hà Nội vừa trình Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Tuyến đường sắt này dài 38,4 km với 21 nhà ga. Tổng mức đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng. Thời gian xây dựng 2021-2025, đưa vào khai thác, vận hành cuối năm 2025.

Tuyến đường có cấu trúc đường đôi, kết hợp đi ngầm, đi trên cao và đi trên mặt đất (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93 đi trên mặt đất), với 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất và 1 ga trên cao). Tuyến có 2 Depot (khu điều hành chạy tàu, bãi đỗ và sửa chữa, bảo dưỡng tàu...) được bố trí tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, diện tích khoảng 18 ha) và xã Yên Bình (huyện Thạch Thất, diện tích khoảng 6,9 ha).

Đoàn tàu của tuyến Văn Cao - Hòa Lạc là tàu điện có 4 toa cho giai đoạn năm 2025-2040 và 6 toa cho giai đoạn từ năm 2050 trở về sau. Tàu được đề xuất có tải trọng trục 15-16 tấn, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h (riêng trong đoạn hầm là 90km/h).

Đáng chú ý, theo phương án thiết kế sơ bộ, điện năng dùng cho đoàn tàu là nguồn điện một chiều 1.500 DCV/tiếp điện trên cao. Tuy nhiên, nội dung tờ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng nêu, trong bước triển khai tiếp theo, sẽ nghiên cứu thêm phương thức tiếp điện sức kéo 750VDC/tiếp điện ray thứ 3 để phân tích đánh giá và lựa chọn đảm bảo tính đồng bộ, khả năng kết nối và nâng cao hiệu quả dự án.

Tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc sẽ dùng công nghệ gì? - ảnh 2
Đoàn tàu điện tuyến Nhổn - ga Hà Nội chạy bằng nguồn điện một chiều 750VDC

Được biết, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang được xây dựng được thiết kế sử dụng nguồn điện một chiều 750VDC/tiếp điện ray thứ ba; còn tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) sử dụng nguồn điện 1.500VDC/tiếp điện trên cao.

Như vậy, trường hợp tuyến Văn Cao - Hòa Lạc dùng nguồn điện, phương thức cấp điện như theo đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (1.500VDC) sẽ giống với tuyến Bến Thành - Suối Tiên và khác với tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông.

Theo đại diện Cục Đường sắt VN, một số nghiên cứu cho thấy, phương thức cấp điện đường sắt đô thị dùng điện 1.500VDC và 750VDC có những ưu, nhược điểm khác nhau, liên quan đến suất đầu tư và tuổi thọ. Chẳng hạn, dùng điện 1.500VDC có giá thành xây dựng thấp (không bao gồm đầu tư cáp điện), tổn hao điện thấp nhưng giá thành khai thác cao, tuổi thọ sử dụng thiết bị (mạng kéo dẫn) 10-15 năm. Còn dùng điện 750VDC có giá thành xây dựng cao, tổn hao điện lớn, nhưng giá thành khai thác thấp, tuổi thọ sử dụng đến 50 năm.

 

Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, đối với công nghệ điện 750VDC, nhà sản xuất trong nước có thể chế tạo được biến áp, thiết bị điện; còn với công nghệ điện 1.500VDC, trong nước không chế tạo được biến áp, thiết bị và phải nhập khẩu. Hiện phần lớn đường sắt đô thị ở các nước châu Âu dùng công nghệ điện 750VDC, còn Nhật Bản dùng công nghệ điện 1.500VDC.

Theo Báo Giao thông
Nguồn:antoangiaothong.gov.vn