Ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có buổi làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang để giải quyết các khó khăn vướng mắc của 2 dự án trọng điểm mang tính quốc gia là dự án cầu Mỹ Thuận 2, và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. 

37BCADAA-788D-4090-894F-BEC9EE5916BB.
Ông Trần Văn Thi , Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long báo cáo về tình hình triển khai dự án

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 về việc phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, theo đó dự án sử dụng 100% nguồn vốn ngân sách nhà nước. Sau đó Bộ GTVT đã phê duyệt dự án tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2020. Các khung chính sách GPMB, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có văn bản số 3159/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 12/6/2020, theo đó Bộ Tài nguyên Môi trường có ý kiến hướng dẫn công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành và quy định cụ thể của địa phương ban hành.

Cũng theo ông Thi, hiện Tổng công ty Cửu Long đã đăng thông báo mời thầu, kế hoạch đến ngày 20/8/2020 phê duyệt kết quả và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế. Phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán: 15/10/2020 (45 ngày sau khi lựa chọn nhà thầu). Dự kiến dự án sẽ khởi công trong năm 2020. Thông xe năm 2022 và hoàn thành toàn bộ quý II/2023. Về bố trí vốn: Bộ GTVT đã phân khai vốn GPMB về cho các tỉnh Vĩnh Long 785 tỷ đồng, Đồng Tháp 127 tỷ đồng, còn lại Tư vấn và khác 20 tỷ đồng. 

Tính đến thời điểm này, việc GPMB tại Vĩnh Long đang chậm so với kế hoạch khoảng 20-30 ngày. Đơn vị đề nghị địa phương đẩy nhanh các công tác (đo đạc, nghiệm thu kết quả đo đạc, ra thông báo thu hồi đất) để sớm thực hiện và hoàn thành kiểm đếm tài sản trên đất trước ngày 15/7/2020.
Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Long, hiện nay ranh quy hoạch sử dụng đất dự án trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2020 của các huyện Long Hồ, Bình Tân, Tx Bình Minh và Tp. Vĩnh Long bị lệch theo phương ngang so với ranh GPMB đã cắm ngoài thực địa. Các cơ quan này cũng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long sớm thực hiện các thủ tục điều chỉnh bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2020 của các địa phương này cho phù hợp với ranh GPMB của dự án.

F720491D-2DA5-4597-9F32-233C33ADCEEA.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác GPMB

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm quốc gia giảm tải cho Quốc lộ 1A hiện hữu và kết nói với hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tp.HCM - Trung Lương. Do đó chúng ta cần phải có sự quyết liệt từ Trung ương cho đến địa phương. Bộ GTVT nói riêng sẽ thường xuyên rà soát các vướng mắc hỗ trợ nhanh chóng về các chú trương phê duyệt các công tác có liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án. Vì vậy đề nghị các địa phương giành thời gian cho GPMB đáp ứng đúng tiến độ để dự án có thể khởi công vào tháng 11 năm nay. 

Công tác GPMB tại tỉnh Đồng Tháp đáp ứng đúng tiến độ đến tháng 11, riêng tỉnh Vĩnh Long đang chậm do đó địa phương cần xử lý gấp các vướng mắc. Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long sớm xác định giá đất cụ thể, đặt biệt tại vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh để thống nhất. Sự nhất quán trong bồi thường GPMB và khung chính sách để ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Liên quan đế việc trước đó một số địa phương và Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị gộp dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai theo hình thức BOT. Trả lời vấn đề này, lãnh đạo  Bộ GTVT cho biết, việc chuyển đổi dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công đã được Chính phủ phê duyệt. Theo Bộ GTVT, việc ghép dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và giao doanh nghiệp dự án triển khai đầu tư sẽ gặp một số khó khăn, do đây là 2 dự án khác nhau được thực hiện bởi 2 cơ quan nhà nước có thẩm quyền (dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã được giao về UBND tỉnh Tiền Giang). Ngoài ra, dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc phạm vi tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, không thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang nên sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý, khó khăn khi thực hiện, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng.
Việc ghép dự án chưa có nhà đầu tư vào dự án đang triển khai thực hiện không phù hợp với những vấn đề đã được nêu tại Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kiểm toán Nhà nước cũng đã có ý kiến kết luận kiểm toán của nhiều dự án BOT, việc bổ sung dự án, bổ sung hạng mục ngoài phạm vi dự án BOT ký hợp đồng là chưa phù hợp quy định.
Bộ GTVT cũng đã có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), thay thế cho Ban quản lý dự án Thăng Long.
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Tổng công ty  Cửu Long có vai trò tương tự một ban quản lý dự án khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chuyển sang đầu tư công, thực hiện các nhiệm vụ như lập dự án, triển khai đấu thầu, chọn nhà thầu xây lắp...Đây là đơn vị từng quản lý các dự án lớn đã hoàn thành như cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

MỸ LỆ
Nguồn:Tapchigiaothong.vn