Screen Shot 2020-06-08 at 5.26.16 PM
Ảnh minh họa.

Tạo môi trường minh bạch, công khai, bình đẳng

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua 12 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt là góp phần giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí, kéo giảm số người chết do TNGT từ hơn 15.000 người xuống còn dưới 8.000 người như hiện nay.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cũng nhìn nhận trước sự tiến bộ của khoa học, công nghệ và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi, phát triển của đất nước.

“Sau hơn 2 năm tổng kết đánh giá về Luật Giao thông đường bộ và tiến hành soạn thảo dự thảo luật mới, gửi lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, đến nay Bộ GTVT đã nhận được 103 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Chúng tôi tiếp thu đầy đủ, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (89 điều) thì dự thảo Luật mới được xây dựng gồm 151 điều, tăng 63 điều”, ông Huyện cho biết.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này sẽ tạo cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột pháp trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng, phương tiện, người lái xe, hoạt động vận tải và giám sát, xử lý vi phạm. Trong đó cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường minh bạch, công khai, bình đẳng trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu TNGT, ùn tắc giao thông.

Điểm mới đáng chú ý

Trao đổi về những điểm mới trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - thanh tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thành viên tổ soạn thảo cho biết dự thảo lần này bổ sung các khái niệm phương tiện giao thông thông minh, giao thông công cộng, các hành vi bị nghiêm cấm như sử dụng ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc… để đđáp ứng với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về quy tắc giao thông đường bộ, dự thảo bổ sung các quy tắc để bảo vệ người yếu thế (người già, người khuyết tật, trẻ em) như quy tắc tập trung nhường đường cho người đi bộ, nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh thực hiện việc di chuyển ra, vào điểm dưng đón, trả khách trên đường; quy định sử dụng ghế chuyên dụng cho trẻ em dưới 13 tuổi.

Đặc biệt, dự thảo Luật cũng đưa ra các quy định liên quan đến đèn nhận diện phương tiện. Đây là nội dung luật hóa theo quy định tại Công ước về giao thông đường bộ, đã được nghiên cứu, áp dụng ở nhiều quốc gia bao gồm cả những quốc gia có khí hậu tương đồng như Việt Nam.

den-nhan-dien-1591086736428891998360
Hiện nay ở Việt Nam có loại xe máy không thiết kế đèn nhận diện, có loại bố trí chung trong đèn pha, có loại tách riêng, có loại luôn bật khi xe nổ máy, có loại do người chạy xe chủ động bật (Ảnh: Nguyễn Khánh)

“Trên cơ sở ý kiến góp ý của người dân, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cứng thành quy tắc giao thông mà chỉ quy định về đèn nhận diện thành một cấu thành bắt buộc của phương tiện để vừa bảo đảm quy định cảu công ước Viên vừa đảm bảo cơ chế phòng ngừa tai nạn cho người dân”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, dự thảo mới điều chỉnh, bổ sung các nội dung nhằm xác định rõ phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đồng bộ với Luật đất đai, Luật quy hoạch theo hướng quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên đất. Điều chỉnh các quy định về đầu tư, khai thác, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng trong đó các nội dung, cơ chế chính sách về đầu tư phát triển, quản lý vận hành và bảo trì đường cao tốc nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường cao tốc và giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước…

Đối với phương tiện giao thông đường bộ, hiện nay vấn đề nổi cộm là thực trạng mất an toàn cho xe đạp điện, xe máy điện. Do đó, dự thảo này đã bổ sung các quy định để giải quyết triệt để thực trạng như các quy định về điều kiện tham gia giao thông xe cơ giới nhằm đảm bảo ATGT và hội nhập quốc tế; quy định về điều kiện với loại xe có gắn động cơ, điều kiện với phương tiện giao thông thông minh, phương tiện sử dụng công nghệ mới. Dự thảo cũng điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe, bổ sung thêm hạng A0 (xe dưới 50 cm) và hạng C1 (xe có trọng lượng 7400kg).

Ngoài ra, về vận tải đường bộ, dự thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để đảm bảo phân định cụ thể giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ, hoạt động vận tải cá nhân. Phân loại các loại hình vận tải để đảm bảo phân định rõ, không bị chồng lấn giữa các loại hình vận tải, giảm bớt điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính không cần thiết, tập trung vào các điều kiện kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ vận tải, đảm bảo ATGT.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung các quy định điều chỉnh đến hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái, hoạt động kinh doanh dịch vụ xe ô tô cứu thương, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, vận tải hành khách công cộng và cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng.

PV
Nguồn:Tapchigiaothong.vn