Lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ thhực hiện công tác kiểm tra trên phương tiện thủy nội địa

Ngày 13/3, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, Thông tư số 06/2020 do Bộ GTVT ban hành đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2017 quy định nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, có hiệu lực từ 1/5.

Theo quy định mới, nội dung kỳ thi sát hạch để cấp bằng máy trưởng các hạng cũng chỉ còn môn hai môn thi lý thuyết tổng hợp và lý thuyết chuyên môn. Môn lý thuyết tổng hợp (thi trắc nghiệm) có 30 câu hỏi, thời gian thi tối đa 60 phút, làm đúng 25/30 được đánh giá đạt yêu cầu. Môn thi lý thuyết chuyên môn (thi vấn đáp) tối đa 45 phút, gồm thời gian chuẩn bị không quá 30 phút và hỏi, đáp không quá 15 phút; kết quả do sát hạch viên đánh giá đạt hoặc không đạt.

Đặc biệt, tại Thông tư lần này là quy định mới bãi bỏ môn thi thực hành vận hành, sửa chữa máy, điện đang được quy định trong các chương trình đào tạo nghề máy trưởng phương tiện thủy nội địa các hạng.

Thông tư 06/2020 cũng quy định giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng được chia thành 3 hạng: nhất, nhì, ba.

Trong đó, Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức các kỳ thi sát hạch, cấp bằng máy trưởng từ hạng nhì trở lên trong phạm vi toàn quốc. Sở GTVT các tỉnh thành tổ chức thi cấp bằng máy trưởng hạng ba.

Điều kiện để dự thi lấy bằng máy trưởng hạng ba là phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có chứng chỉ thợ máy, có thời gian đảm nhiệm chức danh thợ máy đủ 12 tháng trở lên. Đối với người đã có chứng chỉ sơ cấp nghề được đào tạo theo nghề máy tàu thủy hoặc máy tàu biển hoặc nghề thợ máy, hoàn thành thời gian tập sự đủ 6 tháng trở lên thì không cần học thêm nhưng vẫn được dự thi.

Người có bằng thuyền trưởng hạng ba mới được dự thi lấy bằng hạng nhì, có bằng hạng nhì mới được dự thi lấy bằng hạng nhất. Người có bằng máy trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh máy trưởng trên tất cả các loại phương tiện thủy.

VŨ THÀNH VŨ
nguồn: tapchigiaothong.vn