2
Sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Đảm bảo giao thông thông suốt

Mới bước vào năm 2020, ngành Đường bộ đã phải đối diện với sự suy giảm mạnh mẽ bởi tác động của đại dịch Covid-19 đến vận tải hành khách và hàng hóa. Theo thống kê, doanh thu vận tải giảm từ 40 - 80% so với cùng kỳ năm trước khi có dịch. Những tháng cuối năm, các tỉnh miền Trung phải căng mình đón nhận những trận mưa bão dồn dập đổ về, đi kèm với đó là mưa lũ, gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giao thông tại khu vực này.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ các cục Quản lý Đường bộ (QLĐB) và các sở GTVT khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mưa bão đã gây thiệt hại cho giao thông khu vực này khoảng 355 tỷ đồng. Mưa lũ đã làm cho nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở khu vực này bị phá hủy gây chia cắt giao thông. Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, với phương châm 4 tại chỗ, các cục QLĐB, sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị bảo trì tuyến đường khẩn trương triển khai công tác ứng cứu, khắc phục bảo đảm giao thông và huy động nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị của các đơn vị trong và ngoài ngành khẩn trương khắc phục thiệt hại bảo đảm giao thông, kinh phí khắc phục bảo đảm giao thông bước 1 ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Để giảm bớt khó khăn cho các đơn vị tham gia công tác ứng cứu, khắc phục bảo đảm giao thông bước 1 trên các tuyến quốc lộ, Tổng cục ĐBVN đã yêu cầu Cục QLĐB II, Cục QLĐB III và các Sở GTVT: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam tiến hành lập hồ sơ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1, đồng thời với việc khẩn trương khắc phục bảo đảm thông xe tại hiện trường. Sau khi hoàn thành công tác khắc phục tại hiện trường có thể trình hồ sơ phê duyệt để được ưu tiên bố trí kinh phí với phương châm bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

1
Nhiều tuyến đường bộ bị tàn phá do mưa lũ thời gian qua

Ứng dụng nhiều công nghệ mới

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, năm 2020 đánh dấu nhiều bước chuyển mình của ngành Đường bộ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo trì bảo dưỡng hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó phải kể đến việc xóa “điểm đen” và các điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ trên cả nước. Năm 2020, Tổng cục ĐBVN đã xóa được 60 “điểm đen” và điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ, như xây dựng đường cứu nạn, hốc cứu nạn khẩn cấp trên QL6 địa phận tỉnh Hòa Bình, tỉnh Kon Tum...; áp dụng công nghệ tường lốp, tường con quay, hộ lan 2 tầng... đã góp phần kéo giảm thiệt hại về người và tài sản. Đơn cử, đường cứu nạn và hốc cứu nạn trên QL6 đã cứu giúp trên 10 vụ lái xe tải bị mất phanh khi xuống dốc dừng vào đường cứu nứu nạn để giữ an toàn cho người và phương tiện khi gặp sự cố mất phanh trên đường. Chi phí để xây dựng một đoạn đường cứu hộ không lớn nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt nhằm cứu các tài xế khi xuống dốc bị mất phanh. Thực tế, các vị trí cứu nạn trên QL6 như: km79+450, km80+700, km116+900, km144+600, km124+800... thời gian qua đã phát huy tác dụng ngăn ngừa nhiều vụ TNGT thảm khốc.

Nếu không nhắc đến công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long trong thời gian qua thì quả là thiếu sót, khi lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN luôn dành thời gian quan tâm đến dự án “đặc biệt” này. Mặt cầu Thăng Long được sửa chữa bằng công nghệ sửa chữa bản thép trực hướng với kết cấu mặt cầu liên hợp siêu nhẹ, trong đó cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép và đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ tối thiểu 120 MPa; thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận. Đây không phải là công nghệ mới, mà đã được thế giới áp dụng nhiều đối với mặt cầu bản thép, nhưng đây là lần đầu tiên công nghệ này được thi công tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trong chuyến kiểm tra tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long đầu tháng 11 đã chỉ ra, chưa bao giờ ngành Đường bộ thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý cũng như các nhà thầu “thích công nghệ” vào một dự án như dự án này. Đây không phải là công nghệ mới trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng, nhiều nhà thầu “thích công nghệ” vào sân chơi này chứng tỏ công nghệ mới luôn có sức hấp dẫn đối với các nhà thầu để khẳng định mình.

“Đây cũng là dự án mà ngành Đường bộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, phương pháp thi công mới vào sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Khi thực hiện dự án này, chúng ta vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và giao cho Tổng cục ĐBVN xây dựng khung tiêu chuẩn. Nhân cơ hội này, chúng ta sẽ xây dựng một bộ tiêu chuẩn chính thức, cụ thể cho công nghệ mặt cầu bản thép. Kinh nghiệm ở dự án này sẽ được áp dụng cho các cầu có dạng mặt cầu như cầu Thăng Long ở Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Hoàng Long
Nguồn:Tapchigiaothong.vn