TNGT chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với người trẻ tuổi, đây cũng là nhóm đối tượng có ý thức chấp hành pháp luật, quy tắc TTATGT rất hạn chế

Từ ý thức kém dẫn đến nguyên nhân tử vong

Dù liên tục được kéo giảm toàn diện trong nhiều năm qua nhưng TNGT vẫn còn “reo rắc” nỗi đau tột cùng cho hàng ngàn gia đình mỗi năm. Ngoài ra, “quốc nạn” này cũng gây tổn thất 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm, gần bằng 30% ngân sách chi cho giáo dục và 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, tương đương mất đi thu nhập của gần 1,5 triệu người/năm.

Đánh giá về tình hình TNGT hiện nay, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, ý thức chấp hành pháp luật cũng như quy tắc về TTATGT của người dân rất kém. Những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc TTATGT trên đường vẫn diễn ra và đó cũng chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra hầu hết các vụ TNGT”.“Một số vụ tai nạn gây chấn động dư luận vừa qua đều do người điều khiển phương tiện uống rượu bia say xỉn nhưng vẫn lái xe; tái xế xe khách mang trọng trách vận chuyển hàng chục người nhưng vẫn uống rượu bia hoặc lái xe liên tục đến mức ngủ gật khi đang cầm vô lăng; chạy xe thiếu quan sát, chạy quá tốc độ rồi gây ra những “thảm cảnh”, ông Hùng chỉ rõ.

Cũng theo ông Hùng, tình trạng người dân lái xe sau khi sử dụng rượu bia thực sự là một vấn nạn tại Việt Nam. Theo phân tích về các vụ TNGT, có đến hơn 40% số vụ do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia; 60% nạn nhân nhập viện do TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định, điều đáng lo ngại là con số này đang có xu hướng gia tăng.PGS. TS. Nguyễn Đức Chính (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) nhìn nhận, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong giải pháp kiềm chế TNGT trên khắp cả nước nhưng TNGT vẫn được xếp vào nhóm nguyên nhân lớn gây tử vong tại các bệnh viện. Trong 11 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tiếp nhận gần 14.000 trường hợp TNGT (chiếm 50% tai nạn thương tích). Và tất nhiên, đã vào Việt Đức thì thường là những ca nặng nên khả năng phục hồi, tiếp tục lao động của các nạn nhân sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí là trở thành gánh nặng cho cả gia đình.

TNGT mới chỉ giảm được 2 trong 3 tiêu chí so với mục tiêu


CSGT phân luồng đảm bảo TTATGT

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 11 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 16.820 vụ TNGT, làm chết 7.495 người, bị thương 13.106 người. So với 11 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.564 vụ (-8,51%), số người chết giảm 109 người (-1,43%), số người bị thương giảm 2.083 người (-13,71%).

So với mục tiêu giảm từ 5 đến 10% cả 3 tiêu chí trong năm 2018, TNGT mới chỉ giảm đạt được 02 trong 3 tiêu chí về số vụ và số người bị thương trong 11 tháng đầu năm và sẽ rất khó để đảm bảo tiêu chí giảm từ 5% số người thiệt mạng trong những ngày còn lại cũng là thời điểm có áp lực nhất về TTATGT trong năm.

Trên thực tế, lượng phương tiện ngày càng gia tăng nhanh chóng, áp lực giao thông ngày càng lớn nhưng TNGT lại được kéo giảm - đó đã là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của những người làm công tác đảm bảo TTATGT.

Trong dịp cao điểm những ngày cuối năm 2018, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT cùng các địa phương đã ban hành các công điện, chỉ đạo đối với các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận lợi, đảm bảo TTATGT, trật tự xã hội nhằm giữ trọn vẹn niềm vui năm mới của người dân.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cũng kêu gọi, nhắn nhủ người dân tuyệt đối chấp hành luật giao thông; luôn nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông; mỗi người lớn phải là tấm gương về văn hóa giao thông và có nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông để những tai nạn thương tâm không còn xảy ra, để mỗi ngày khi đi trên đường không còn nỗi lo sợ, phấp phỏng vì TNGT

Nguồn: tapchigiaothong.vn