Đâu là giải pháp hữu hiệu nhất?

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nghiên cứu trên toàn thế giới chỉ ra rằng, có thể ngăn chặn nguy cơ tử vong và nhiều nguy cơ thương tật do TNGT trước khi nạn nhân được đưa đến bệnh viện. Để làm được điều này, việc sơ cứu, cấp cứu nạn nhân ngay tại hiện trường sau khi tai nạn là điều hết sức quan trọng. Một đánh giá của các nghiên cứu ở châu Âu kết luận rằng, khoảng 50% số ca tử vong xảy ra trong vòng vài phút tại hiện trường hoặc trên đường đến bệnh viện; 15% tại bệnh viện trong vòng 4h và 35% sau 4h tai nạn. Nghiên cứu của WHO cho thấy, phần lớn trường hợp tử vong ở các nước thu nhập thấp và trung bình xảy ra trước khi nạn nhân đến bệnh viện.

Những người đầu tiên có mặt tại hiện trường tai nạn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các sự cố nghiêm trọng bằng cách: gọi dịch vụ khẩn cấp; xử lý sự cố khẩn cấp như cháy nổ tại hiện trường...; đảm bảo an toàn hiện trường; áp dụng các biện pháp cứu nạn ban đầu. Điển hình như những người có mặt tại hiện trường được đào tạo về sơ cứu ban đầu có thể ngăn ngừa nhiều ca tử vong do tắc nghẽn đường thở hoặc chảy máu…Ở các nước phát triển, việc nạn nhân tiếp cận các dịch vụ y tế khẩn cấp sau TNGT có nhiều phần tốt hơn, bởi mật độ phương tiện lớn nên người tham gia giao thông dễ dàng hỗ trợ người bị nạn, đặc biệt là lực lượng cứu nạn ở những quốc gia phát triển thường có năng lực tiếp cận hiện trường tai nạn nhanh chóng, ứng cứu kịp thời.Tuy nhiên, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, việc cứu hộ bằng xe cứu thương là rất hạn chế nên người có mặt tại hiện trường là nguồn lực chính để cứu nạn. Ở Ghana, hầu hết người bị thương đến bệnh viện đều bằng xe dân dụng. Cũng theo WHO, các khóa đào tạo cứu nạn cơ bản cho người dân mà không có xe cứu thương của lực lượng y tế có thể giảm tỷ lệ tử vong từ 40% xuống 9%. Trong khi đó, một nghiên cứu ở Kenya cho thấy, cảnh sát chỉ đưa được 5,5% số người sống sót sau tai nạn đi cấp cứu và xe cứu thương chỉ đưa được 2,9% nạn nhân TNGT đến bệnh viện.

Theo giới chuyên gia y tế, sơ cứu người bị nạn rất
Theo giới chuyên gia y tế, sơ cứu người bị nạn rất đơn giản, tuy nhiên,  sơ cứu sai cách có thể làm nạn nhân tử vong hoặc thương tật cả đời. Ảnh Vũ Thành

“Đào tạo các bước sơ cứu cơ bản trong xã hội là giải pháp thích hợp với nguồn lực còn nhiều hạn chế. Bởi lẽ, những người tham gia giao thông thường có khả năng tiếp cận hiện trường tai nạn đầu tiên”, WHO khẳng định.Cùng với đó, các lượng lượng như cảnh sát và nhân viên hỗ trợ tai nạn của địa phương thường đến hiện trường vụ tai nạn trước đội ngũ cứu thương chuyên nghiệp. Vì vậy, cảnh sát địa phương cần được trang bị và huấn luyện để cứu nạn và tiến hành các biện pháp sơ cứu cơ bản.

Cứu nạn kịp thời, đúng cách trong “giờ vàng”

“Giờ vàng” cấp cứu nạn nhân TNGT là trong khoảng thời gian 1 tiếng sau tai nạn và có nhiều yếu tố quyết định sinh mạng người bị nạn. Nếu sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời có thể giảm tỷ lệ tử vọng từ 15 - 20%.

Từ quá trình nhiều năm gắn bó với công tác cấp cứu, điều trị nạn nhân TNGT tại Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Đức Chính (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đánh giá, thực trạng đáng tiếc hiện nay là đa số nạn nhân nhập viện đều chưa được sơ cấp cứu đúng cách khiến tình trạng của bệnh nhân có những diễn biến xấu, thậm chí là gây thêm chấn thương. Mặt khác, việc các cơ sở y tế tại địa phương hạn chế về năng lực cấp cứu nạn nhân cũng khiến việc điều trị nạn nhân sau khi chuyển lên viện tuyến trên gặp nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm này, theo TS. Phạm Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT), giải pháp cấp thiết hiện nay là cần tăng cường mạnh mẽ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cấp cứu ban đầu đối với các cơ sở y tế địa phương; đồng thời, chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức sơ cứu nạn nhân TNGT trong cộng đồng xã hội để hỗ trợ nạn nhân một cách kịp thời và đúng cách.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngay sau khi phát hiện tai nạn, người dân cần gọi điện báo cấp cứu 115 nơi gần nhất. Những người đầu tiên tiếp cận nạn nhân cần nói chuyện hoặc chạm nhẹ vào người nạn nhân để kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo hay không.

Tiếp đó, người tiếp cận nạn nhân cần kiểm tra đường thở, quan sát trong miệng, mũi nạn nhân có những vật gây cản trở hô hấp hay không, nếu có hãy lấy những vật đó ra nhằm giúp nạn nhân có thể hô hấp được. Trong trường hợp phát hiện nạn nhân không thở hoặc thở bất thường, cần tiến hành hô hấp nhân tạo như hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực. Chú ý, nếu chưa được học cách hô hấp nhân tạo thì không nên làm và chỉ nhờ người có kỹ năng thực hiện, hoặc gọi 115 yêu cầu hướng dẫn cách thức sơ cứu. Nếu nạn nhân hôn mê, mũi, miệng có nhiều máu, chất nôn, người cứu nạn cần nhẹ nhàng nghiêng đầu nạn nhân về một bên nhằm tránh việc máu, chất nôn tràn vào đường thở.

Theo Bộ Y tế, chảy máu là nguyên nhân chính gây tình trạng sốc, nên người sơ cứu cần phải cầm máu bằng vải sạch, gấp thành nhiều lớp đặt lên miệng vết thương. Khi miếng vải thấm nhiều máu thì đệm thêm lớp vải và quấn thêm nhiều vòng băng. Với nạn nhân bị sốc, người sơ cứu cần đặt nạn nhân trong tư thế nằm, nới lỏng quần áo, nâng cao 2 chân lên quá đầu trong trường hợp không ảnh hưởng đến cột sống và vết thương.

Trong quá trình di chuyển nạn nhân, nếu người bị nạn mắc kẹt trong ô tô có thể dễ bị gãy xương, chấn thương cột sống, nhất là cột sống cổ. Vì vậy, người sơ cứu không nên di chuyển nạn nhân mà để nạn nhân bất động vì việc di chuyển có thể khiến nạn nhân tổn thương nghiêm trọng hơn, dễ gây sốc và nguy hiểm đến tính mạng. Khi có tình huống nguy hiểm tại hiện trường như chập điện, cháy nổ… thì mới bắt buộc di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường. Trong tình huống này hết sức cố gắng tránh tác động làm xoắn vặn, gập cổ, gập người, tốt nhất là nhiều người hỗ trợ để giữ thẳng lưng, cổ và chân nạn nhân trong quá trình di chuyển.

Trong trường hợp nạn nhân gãy xương chi gây biến dạng gập góc, cố gắng giữ nguyên tư thế biến dạng khi di chuyển và di chuyển nạn nhân bằng cách kéo nạn nhân bằng cổ áo hoặc ống quần thay vì bế, vác.

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, không vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu bằng xe máy, xe đạp hay cõng trên lưng. Đặc biệt, không cố lấy những vật nhọn đã găm sâu vào cơ thể nạn nhân. Các động tác hỗ trợ sơ cứu phải hết sức thận trọng để ngăn ngừa những tổn thương thứ phát, khiến cho tình trạng nạn nhân nặng hơn.

Huyền Thanh
Nguồn:Tapchigiaothong.vn